Nhiều người yêu hoa thích sử dụng một số thủ thuật để trồng hoa, ví dụ như làm một số loại phân bón cho hoa từ nước vo gạo, bã đậu, dầu thải, sữa hết hạn, rượu,... Đặc biệt, có 1 thứ đơn giản nhưng rất ít người biết tới, đó là vỏ cam.
Vỏ cam rất giàu vitamin C, nitơ, phốt pho và tinh dầu. Nó không chỉ bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho hoa mà còn có tính axit, phù hợp với hầu hết các loại hoa như hoa trà, đỗ quyên, dành dành, hoa nhài, trầu bà vàng.
1. Sử dụng vỏ cam xát vào lá
Các loại cây có phần lá to dày thường được đặt trong nhà, sau một thời gian nó sẽ trở nên kém xanh tươi, trên thân bọc 1 lớp bụi. Lúc này, nhiều người sẽ dùng nước để rửa lá, nếu để cây trong nhà thì dùng khăn mỏng nhúng nước lau lá, tuy nhiên cách này có nhược điểm là sau một thời gian lá có thể có đốm.
Thay vào đó, chúng ta có thể dùng trực tiếp vỏ cam tươi lau nhẹ lên lá, cách này có thể loại bỏ cặn và các tạp chất khác còn sót lại trên lá, hiệu quả hơn so với dùng nước trực tiếp. Hơn nữa, các chất dinh dưỡng trong vỏ cam cũng có thể được hấp thụ bởi lá, đóng vai trò như 1 loại dưỡng chất, sau khi sử dụng lâu dài lá sẽ xanh hơn, cả ngôi nhà sẽ tràn đầy sức sống.
2. Một số công dụng của vỏ cam với cây
Vỏ cam làm phân bón gốc
Khi trồng hoa và cây cảnh, nhiều người yêu hoa thích thêm một ít phân bón vào đáy lọ hoa, tức bón gốc. Bạn hoàn toàn có thể dùng vỏ cam phơi khô, nghiền nhỏ ra để bón cho cây thay các loại phân bón thông thường.
Với cách này, nhiều người nói rằng vùi vỏ cam dưới lọ hoa thì khi vỏ cam lên men, dễ sinh nhiệt, hại rễ. Nhưng thực tế, bạn có thể dùng vỏ cam làm phân bón gốc cho những loại hoa mới trồng hoặc hoa mới được thay chậu. Sau một thời gian dài, vỏ cam sẽ phân hủy trong đất, giúp hoa rễ hấp thụ chất dinh dưỡng.
Ngâm vỏ cam làm phân bón
Với cách này, bạn hãy bóc vỏ một quả cam, dùng dao thái phần vỏ càng nhỏ càng tốt. Cho vỏ cam đã thái nhỏ vào một bình nhựa, đổ nước ngâm khoảng 24 giờ. Cuối cùng đem nước dùng để ngâm vỏ cam đi tưới hoa. Hoa được tới bằng nước ngâm vỏ cam, đất sẽ có tính axit, lá sẽ có màu xanh và bóng dầu.
Nước ngâm vỏ cam cũng có thể xua đuổi ruồi đen nhỏ, kiến, ốc và các loại bọ khác trong chậu hoa. Nó cũng có thể loại bỏ mùi hôi trong đất chậu, nếu tưới hoa bằng nước có độ phù sa cao mà đất có mùi hôi, có thể dùng nước ngâm vỏ cam để tưới cho hoa.
Vỏ cam trộn với đất trồng
Vỏ cam sau khi bóc ra sẽ xé nhỏ hoặc phơi khô rồi giã, sau đó trộn trực tiếp vào đất để trồng hoa. Tuy nhiên, số lượng không nên quá nhiều, tốt nhất không nên quá 1/20 tổng lượng đất trồng trong bầu, như vậy sẽ không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của rễ hoa. Trộn vỏ cam với đất trồng có thể làm giảm tốc độ nén của đất một cách hiệu quả, đồng thời đóng một vai trò trong việc làm tơi xốp đất.
Dùng vỏ cam bẫy ốc sên, sâu bọ
Một số loài sâu hại, ốc sên không thích mùi của vỏ cam, quýt. Vì vậy nếu cây của bạn đang bị sâu bệnh nhẹ, bạn nên tránh sử dụng thuốc trừ sâu hóa học mà thay vào đó nên đẩy lùi chúng bằng cách sử dụng vỏ cam, quýt.
Cách làm rất đơn giản, bạn chỉ cần xé vỏ cam thành từng miếng nhỏ, đặt xung quanh rìa xốp hoặc quanh vườn (miễn cách xa cây trồng) là bạn sẽ bắt sống được cả đám phá hoại cây trong vườn rau nhà mình. Hoặc, bạn hãy xé một lỗ ở vỏ cam, gắn vào cọc nhỏ gần khu vực bị nhiễm bệnh, sâu bệnh sẽ không dám bén mảng tới khu vườn của bạn nữa.
Lưu ý, loại "thuốc trừ sâu" làm từ vỏ cam, quýt này có thể không được hiệu quả như sử dụng thuốc trừ sâu hóa học nhưng nó tự nhiên, hữu cơ và thân thiện với môi trường.
Nguồn: https://arttimes.vn/gia-dinh/dung-voi-vut-vo-cam-di-de-lai-cha-len-la-se-thay-la-xanh-m...Nguồn: https://arttimes.vn/gia-dinh/dung-voi-vut-vo-cam-di-de-lai-cha-len-la-se-thay-la-xanh-muot-nhu-boi-mo-c59a6100.html
Nhà - Vườn