Góc nhìn chính từ quảng trường Ba Đình của phương án H112. |
Công trình gồm hai khối cơ bản vuông và tròn. Tổ hợp này gợi liên tưởng quen thuộc trời tròn đất vuông, bánh chưng bánh dầy và mối quan hệ cộng sinh giữa tự nhiên và nhân tạo. Khối phòng họp hình trụ tựa vào hệ cột và nhô cao trên khối đế vuông trong suốt. Ý tưởng này giúp những khoảng xanh từ quảng trường Ba Đình, đường Bắc Sơn và khu di tích Hoàng Thành thâm nhập công trình một cách dễ dàng. Sự tương tác giữa mái sảnh vát cong và khối trụ phía sau thấp thoáng hình ảnh mái đình, cánh chim, hoa sen..., những biểu tượng thân quen của người Việt.
Không gian đại sảnh rộng rãi, trang trọng. |
Hướng tiếp cận chính của công trình từ đường Độc Lập. Rút kinh nghiệm hội trường Ba Đình cũ quá cận đường, phương án nhà quốc hội mới đề xuất khoảng sân nghi lễ thích hợp cùng mảng kính cong lõm sâu trước sảnh, mở rộng tầm nhìn và tạo sự trang trọng cần thiết cho công trình.
Hiệu quả ánh sáng và bóng đổ đa hướng kết hợp mặt nước xung quanh làm toà nhà bề thế mà vẫn thanh thoát. Diện cong này và mặt nước giảm thiểu đáng kể nắng nóng hướng tây, đồng thời khiến công trình như ôm lấy quảng trường xanh, làm tăng sự thân thiện và khả năng đối thoại của công trình với khung cảnh.
Ngôn ngữ kiến trúc tự thân trong sáng được bố trí ở phòng họp trung tâm. |
Khu bảo tồn khảo cổ học Hoàng Thành Thăng Long cũng được quy hoạch trong khuôn viên tổng thể của nhà quốc hội mới, có diện tích rất rộng với vị trí kề sát tòa nhà chính. Việc thiết kế công trình tôn tạo khu bảo tồn làm nổi bật ý tưởng tránh tạo ra khối lớn phá vỡ cảnh quan hiện có và xung đột với công trình nhà quốc hội. Tổng thể khu bảo tồn được thiết kế thành hai phần, phần phục vụ và phần mái che hố khai quật.
Toàn cảnh tổng thể nhà Quốc hội mới với khu bảo tồn Hoàng Thành liền kề. |
Các chức năng phục vụ được tổ chức tập trung trong một toà nhà nhỏ cùng ngôn ngữ thiết kế với nhà quốc hội mới. Công trình chính là mái che hố khai quật được thiết kế như một triền dốc mềm mại, trượt thấp dần về phía quảng trường Ba Đình. Trên mái có nhiều cửa trời tương ứng với vị trí dòng sông cổ và các hố khai quật chính để lấy sáng đồng thời giảm khối tích mái. Nhờ những giải pháp đó, công trình tôn tạo khu bảo tồn sẽ ẩn vào mặt đất và hoà vào cảnh quan chung của khu Ba Đình.
> Phương án giải A/ Giải khuyến khích (1)
Đ.T.