Cây hoa giấy là một loại cây thân gỗ cận nhiệt đới có gai cũng là loại cây leo, rất dễ thích nghi và phát triển. Cây hoa giấy mọc hoang dã tự nhiên ở những vùng nhiệt đới, thường được cắt tỉa để làm hàng rào và có một số loại cây lùn được trồng trong chậu như một loại cây cảnh trong nhà.
Cây hoa giấy có lá hình bầu dục, lá của chúng rất thưa thớt và không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, hoa giấy được nhiều người yêu thích bởi những chùm hoa to, rực rỡ nhiều màu và sự phát triển đáng kinh ngạc. Cây hoa giấy có xu hướng ra hoa quanh năm ở các vùng xích đạo. Ở những nơi khác, cây hoa giấy nở hoa theo mùa, với chu kỳ nở thường từ 4-6 tuần.
Tại Việt Nam, hoa giấy thường ra hoa quanh năm với màu sắc phổ biến nhất là màu tím. Tuy nhiên, hoa giấy có rất nhiều màu và hình dạng khác nhau, tùy theo giống loại và khí hậu của vùng trồng nó.
Nhiều người yêu hoa sẽ chọn mua 1-2 chậu ở chợ hoa để chăm sóc tại nhà. Thế nhưng, cây khi mua về tương đối nhỏ, về nhà thay chậu mới cần phải nắm vững một số kỹ năng chăm bón mới có thể mong nó sống tốt, ra hoa đều. Dưới đây là 3 kỹ năng người chơi hoa giấy cần nắm vững:
1. Loại bỏ hết đất gốc khi thay chậu
Khi thay chậu, bạn nên cố gắng không làm tổn thương rễ cây hoa giấy khi xới đất. Bạn có thể đổ đầy nước vào một chậu lớn hơn, sau đó cho rễ cây hoa giấy vào để nước làm tan đất bám trên rễ và rụng dần. Điều này sẽ tránh làm tổn hại nhiều đến hệ thống rễ, bộ rễ có tốt thì hoa giấy mới phát triển tốt được.
Với những cây hoa giấy vốn đã có bộ rễ phát triển, đất giàu dinh dưỡng rồi thì lúc này bạn chỉ cần rửa sạch bằng nước máy trước khi đem trồng vào đất mới là được. Lưu ý, đất mới để thay chậu không được quá khác so với đặc tính của đất ban đầu.
Bên cạnh đó, bạn nên phun vào đất một ít thuốc khử trùng sau khi phơi đất 1-2 ngày nắng, sau đó giữ cho đất tơi xốp và thoáng khí. Khi đã chuẩn bị đất xong, bạn hãy đặt cây vào bầu đất rồi tưới nước thật đẫm cho cây. Bạn cũng có thể thêm một ít chất lỏng tạo rễ vào nước, điều này sẽ khuyến khích cây bén rễ sớm.
2. Cắt bớt cành
Nếu cây tương đối lớn, bạn nên cắt bỏ những phần héo úa, cành nhỏ để giữ lại chất dinh dưỡng cho thân chính. Sau đó, hãy đặt cây ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời.
Khi đã cắt bớt cành, bạn có thể dùng bình tưới dạng phun sương để phun sương lên lá vào buổi sáng và chiều tối, để tránh lá bị khô do thiếu nước. Sau khoảng 2 tuần, lá và cành non bắt đầu mọc thì bạn có thể từ từ đưa cây ra nơi có ánh sáng tán xạ.
3. Thêm dinh dưỡng cho cây
Hoa giấy có khả năng thích nghi tương đối mạnh, ngay cả khi thay chậu thì trong năm đó cây vẫn có thể nở hoa. Lúc này, bạn chỉ cần bón thêm một số loại phân như lân, kali để thúc cây phát triển. Chỉ khi cây phát triển mạnh mẽ, nó mới có thể cho ra những bông hoa to khoẻ.
Trong thời kỳ hoa giấy ra hoa, bạn cần kiểm soát lượng nước tưới, không nên tưới quá nhiều nước cho cây. Nếu không, cây không những không dễ nở hoa mà còn dễ thối rễ, vậy nên bạn cần giữ đất khô, thoáng khí và tơi xốp.
Nguồn: https://arttimes.vn/gia-dinh/goc-hoa-giay-vua-mua-ve-dung-voi-cho-nu-hay-lam-3-buoc-nay...Nguồn: https://arttimes.vn/gia-dinh/goc-hoa-giay-vua-mua-ve-dung-voi-cho-nu-hay-lam-3-buoc-nay-truoc-de-hoa-no-to-c59a5590.html
Phong thủy nhà ở