Phòng tắm, nhà vệ sinh là nơi chúng ta sử dụng hàng ngày, đóng vai trò trong cuộc sống. Mỗi sáng thức giấc chúng ta đều vào đó làm vệ sinh cá nhân, đến tối lại vào tắm rửa, đi vệ sinh… Tuy khu vực này quan trọng là vậy nhưng nhiều người có xu hướng chỉ chú trọng đến đến tính thẩm mỹ và tính thực dụng.
Thực ra trên thực tế, bạn cũng nên chú ý tới những điều sau khi sử dụng nhà vệ sinh. Tuyệt đối không được để những hiện tượng này xảy ra trong nhà tắm, nhà vệ sinh để tránh gây hại cho sức khỏe.
Đóng kín cửa nhà tắm khi không sử dụng
Sau khi đi vệ sinh, tốt hơn hết nên đóng cửa nhà vệ sinh lại để tránh vi khuẩn và mùi hôi lan sang không gian khác. Tuy nhiên, đừng bịt hết cửa nhà tắm, hãy mở cửa sổ ra để lưu thông không khí.
Nếu không, vi khuẩn rất dễ sản sinh, trong nhà tắm sẽ có mùi ẩm mốc khó chịu. Không những vậy, các vật dụng cất trữ trong nhà tắm cũng có khả năng bị lây nhiễm chéo, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
Nếu nhà tắm không có cửa sổ, hãy bật quạt thông gió một thời gian sau khi đi vệ sinh để loại bỏ bớt mùi hôi và giúp không gian nhà tắm thông thoáng, dễ khô ráo hơn.
Đi vệ sinh xong không đậy nắp bồn cầu
Khi sử dụng bồn cầu xong, bạn nên hình thành thói quen tốt, đó là đậy nắp bồn cầu. Các chuyên gia khuyến cáo, nên đậy nắp bồn cầu rồi mới xả nước, như vậy có thể tránh được chất bẩn và vi khuẩn bắn lên, lây lan sang khu vực khác.
Không những vậy, việc đậy nắp bồn cầu sau khi sử dụng còn có tác dụng tránh được mùi hôi bốc lên, gây ô nhiễm không khí trong nhà tắm.
Vừa đi vệ sinh vừa sử dụng điện thoại
Điện thoại di động là vật bất ly thân với nhiều người, họ thường mang theo điện thoại khi đi tắm hay đi vệ sinh. Tuy nhiên, khi vừa đi vệ sinh vừa nghịch điện thoại, nhiều người sẽ quên mất thời gian và ở lì trong đó rất lâu.
Nhà tắm lại là nơi chứa nhiều vi khuẩn, không gian ẩm ướt. Ở lâu trong nhà vệ sinh sẽ không tốt cho sức khỏe. Không những vậy, vừa đi vệ sinh vừa dùng điện thoại còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ, gây rối loạn chức năng sàn chậu. Bên cạnh đó, việc này còn khiến việc rửa tay sau khi đi vệ sinh trở nên vô nghĩa, vì khi đó điện thoại đã bám đầy vi khuẩn.
Không dọn dẹp nhà vệ sinh thường xuyên
Nhà vệ sinh cần được dọn dẹp thường xuyên, từ bồn cầu, bồn rửa mặt, sàn nhà, gương… Việc này sẽ hạn chế vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi, phát triển, giúp không gian phòng tắm sạch sẽ, thoáng mát hơn.
Sau khi đi vệ sinh, nếu thấy chất bẩn dính trên bồn cầu, bạn nên dùng cọ bồn cầu để chà sạch ngay. Sau mỗi lần đi tắm, nếu có thể hãy lau khô sàn nhà và bồn rửa mặt, vòi nước,… để hạn chế tình trạng cặn can xi bám trên vòi nước, vệt ố vàng trên bồn cầu, bồn rửa mặt,… Đồng thời, việc lau sàn nhà tắm còn ngăn được tình trạng trơn trượt khi bước vào nhà tắm.