1. Tên gọi, nguồn gốc
Hoa cúc có tên khoa học là Chrysanthemum, thuộc họ cúc (Asteraceae), là loài hoa vô cùng phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn khắp thế giới. Theo như thống kê, trên thế giới hiện nay có khoảng 1500 loài cúc khác nhau với đủ hình dạng và màu sắc. Do đó, đây là một trong số loài thực vật có sự đa dạng sinh học vô cùng phong phú.
Hoa cúc theo như các tài liệu nghiên cứu thì vốn có nguồn gốc từ Nhật Bản và Trung Quốc từ cách đây 3000 đến 5000 năm về trước. Chúng xuất hiện nhiều trong các văn tự, thơ ca, tác phẩm hội họa hoặc điêu khắc, cho thấy sức ảnh hưởng về mặt văn hóa của hoa cúc là rất lớn. Ở Việt Nam, hoa cúc được xếp vào chung thành nhóm tứ quý (Tùng - Cúc - Trúc - Mai) cho thấy sự ưa chuộng và coi trọng của người Việt đối với loài hoa độc đáo này.
Hình ảnh đa dạng của hoa cúc
2. Đặc điểm hình thái của hoa cúc
Chính vì hiện nay trên thế giới có rất nhiều loài cúc khác nhau, do đó các đặc điểm hình thái của hoa cúc phải đảm bảo ĐỦ các đặc trưng sau, nếu không thì sẽ không được coi là thuộc họ Cúc: (tham khảo theo Wikipedia)
- Các noãn hoa: Phải nằm trên cùng một nhụy
- Cụm hoa: Dạng đầu
- Bầu nhụy: Phân bố dạng cơ bản giữa các noãn
- Bao phấn: Thuộc dạng hữu tính, các nhị hoa kết hợp với nhau bởi các bao phấn, tạo thành phần ống hoa.
- Quả: có mào lông, được tạo ra từ một noãn hoa và không bị nẻ khi chín.
- Rễ: Thuộc bộ rễ chùm
- Tinh dầu: Có mặt hợp chất Sesquiterpene, nhưng không xuất hiện thành phần Iridoid.
3. Một vài đặc điểm khác của cây hoa cúc
Cây dạng rễ chùm, phát triển theo chiều ngang chứ ít ăn sâu vào đất. Ngoài ra, cây có rễ phụ phát triển, giúp hút nước và chất dinh dưỡng cần thiết.
Cây hoa cúc dạng thân thảo, cao từ 30-80cm, phân nhiều nhánh, đốt giòn và dễ gãy. Chiều cao và độ giòn của cây tùy thuộc vào loại giống khác nhau.
Lá hoa cúc thường là lá đơn, hình dáng có răng cưa. Màu sắc đậm nhạt, cũng như độ to, nhỏ, dày, mỏng của phiến lá tùy thuộc vào đặc điểm của mỗi giống cúc khác nhau.
II. Các loại hoa cúc thường gặp hiện nay1. Hoa cúc họa mi
Là một trong những loài hoa cúc được yêu thích nhất hiện nay. Cúc họa mi có hình dáng nhỏ nhắn với cánh hoa màu trắng cùng với nhụy vàng. Mùa cúc họa mi ở nước ta thường bắt đầu từ tháng 11 và kết thúc sau đó khoảng 2-3 tuần. Chính vì mùa hoa rất ngắn cho nên chúng rất được ưa chuộng để mang về trang trí trong nhà, làm quà tặng...
2. Hoa cúc vàng
Cúc vàng được sử dụng nhiều nhất hiện nay trong các dịp đặc biệt như tảo mộ, thờ cúng... Không chỉ có bông hoa thuộc dạng to nhất trong số các loài cúc khác, hoa cúc đại đóa có một màu vàng tươi đặc trưng cùng với đó là khả năng lâu tàn, có thể sử dụng để cắm suốt một khoảng thời gian dài.
3. Hoa cúc Tana
Là hoa cúc dại thường hay bị nhầm lẫn với cúc họa mi bởi hình dáng nhỏ bé và tương đồng của chúng. Tuy nhiên cúc Tana vẫn có kích thước bé hơn so với cúc họa mi một chút, cánh hoa của chúng có dạng tròn và chỉ có duy nhất một lớp cánh. Bên cạnh đó, hoa cúc Tana có mùi hương nồng nàn và đậm hơn so với cúc họa mi. Giống hoa này vốn có nguồn gốc từ Hà Lan và được nhập về Việt Nam để trồng trong một vài năm trở lại đây.
4. Hoa cúc thạch thảo
Hoa cúc thạch thảo nổi bật với một màu tím đặc trưng mà ít giống cúc nào có được. Chính vì các cánh hoa vô cùng nhỏ bé của chúng, cho nên chúng vẫn thường được mọi người gọi là cúc cánh mối. Cúc thạch thảo thường được sử dụng để trang trí, làm quà tặng hoặc dùng trong các sự kiện đặc biệt.
5. Hoa cúc chi
Là một trong số loài hoa có kích thước nhỏ bé nhất, bông hoa có màu vàng tươi rực rỡ và chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay cái của con người. Mùa hoa cúc chi thường bắt đầu từ tháng 7 âm lịch, vào giai đoạn giao mùa giữa mùa hạ và mùa thu. Hoa cúc chi thường được thu hoạch và sấy khô để làm trà thảo mộc uống hàng ngày.
6. Hoa cúc đồng tiền
Hoa cúc đồng tiền rất được ưa chuộng trong những dịp lễ Tết. Hoa có dạng hình tròn, được chia làm bốn loại khác nhau gồm: Hoa cánh đơn, cánh kép, hoa lùn và hoa cao. Người ta thường trồng hoặc cắm hoa cúc đồng tiền trong nhà với mong muốn gặp nhiều may mắn, tài lộc và hạnh phúc.
7. Hoa cúc bất tử
Cúc bất tử hay được gọi ngắn gọn là hoa bất tử, là loài hoa thuộc họ cúc, có màu vàng cam đặc trưng vô cùng độc đáo. Các cánh hoa được xếp thành từng lớp với nhau, với lớp ngoài cùng có màu cam đỏ và nhạt dần khi vào lớp trong cùng. Hoa rất lâu tàn cho nên thường được sử dụng để cắm trang trí hoặc dùng trong các sự kiện đặc biệt.
8. Hoa cúc thược dược
Hoa thược dược hay cúc thược dược là một trong những loài hoa vô cùng đẹp mắt với nhiều màu sắc rực rỡ, thường được sử dụng trong dịp lễ Tết, đám cưới hoặc trang trí nhà ở. Bông hoa có kích thước lớn với đủ màu sắc khác nhau, hoa có thể nở quanh năm nhưng lại không bền lâu giống như nhiều loài hoa cúc khác.
9. Hoa cúc mẫu đơn
Cúc mẫu đơn thường rất to, kích thước từ 15-20 cm và có nhiều màu sắc rực rỡ khác nhau như: Hồng, tím, cam, xanh lá, xanh dương, trắng, nâu... Mỗi bông hoa sẽ có nhiều cánh nhỏ xếp thành nhiều lớp bung nở rất đẹp. Hoa thường tươi tốt trong khoảng 10-15 ngày, mùa hoa nở rộ thường vào mùa hè và đầu thu.
Hoa cúc mẫu đơn mang ý nghĩa là loài hoa đại diện cho lòng chung thủy trong tình bạn, tình yêu mãi trường tồn và là biểu tượng cho niềm vui, hạnh phúc. Bên cạnh đó, vì hoa nở rực rỡ vào mùa hè nên tràn đầy năng lượng, sức sống, mang đến lời nhắn "Luôn luôn hạnh phúc và yêu đời".
Với vẻ đẹp độc đáo và nhiều ý nghĩa tốt lành, hoa cúc mẫu đơn là món quà thích hợp để dành tặng người thân, bạn bè vào những dịp đặc biệt.
10. Hoa cúc mâm xôi
Đối với người Việt, cúc mâm xôi là loài hoa được ưa chuộng, không chỉ mang đến vẻ đẹp ấm áp, ngọt ngào mà còn tượng trưng cho sự vĩnh cửu và trường tồn. Trong những dịp lễ tết, cúc mâm xôi luôn xuất hiện và được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Chúng vừa sở hữu vẻ đẹp độc đáo vừa mang ý nghĩa giàu sang.
11. Hoa cúc ngũ sắc
Hay còn có tên gọi khác là hoa cúc Zinnia, cúc lá nhám, cúc cánh giấy. Đây là giống hoa có khả năng sinh trưởng tốt và bền lâu theo thời gian. Cúc ngũ sắc chỉ có 5 màu: đỏ, vàng, trắng, cam, hồng rất phù hợp để trồng trong chậu đặt trên sân thượng, ban công, giúp tô điểm cho ngôi nhà của bạn thêm sặc sỡ.
12. Hoa cúc vạn thọ
Là loại hoa có hình dạng độc đáo và khác biệt so với các loại hoa cúc cùng họ. Hoa có bông khá to, kích thước cánh hoa cùng với độ xòe phủ lớn. Cúc vạn thọ được trồng nhiều trong những khu vườn và không gian sống xung quanh, mang ý nghĩa cho sự trường thọ, bất diệt với thời gian. Do đó loài hoa này được ưa chuộng để làm quà tặng ông bà, cha mẹ hoặc sử dụng vào những dịp lễ đặc biệt.
13. Hoa cúc bách nhật
Còn được gọi là hoa cúc pha lê mang vẻ đẹp tự nhiên, thuần khiết và sang trọng nên được nhiều người yêu thích. Là loài hoa có sức sống mạnh mẽ, có thể mọc hoang hoặc được trồng trong các công viên, hoa cúc bách nhật còn có giá trị dược liệu cao được sử dụng làm thuốc chữa bệnh trong y học cổ truyền.
14. Hoa cúc mặt trời
Hay còn gọi là cây cúc gót, là loài hoa bụi, nở quanh năm. Hình dáng của hoa cúc mặt trời trông gần giống với hoa hướng dương nhưng nhỏ hơn rất nhiều. Nhụy có hương thơm nhẹ giống như những tia nắng mặt trời ấm áp. Chỉ cần ngắm nhìn những bông hoa rực rỡ cũng có thể làm tâm hồn trở nên thỏa mái, giảm bớt căng thẳng hơn rất nhiều. Hoa được trồng ở khắp mọi nơi, như tiểu cảnh trong nhà, ban công sân thượng, cảnh quan sân vườn, công viên, hay dọc lối đi…
Ngoài ra, có thể bắt gặp tại cửa hàng nhập khẩu những loại hoa độc đáo khác như: hoa cúc lưới, hoa cúc kim cương, hoa cúc sao băng, hoa cúc Calimero, hoa cúc vương miện Sweet Sultan…
III. Ý nghĩa của hoa cúc1. Ý nghĩa dựa theo màu sắc
Hoa cúc có rất nhiều màu sắc sặc sỡ khác nhau, với mỗi màu sắc lại ẩn chứa một tầng ý nghĩa vô cùng giá trị và sâu sắc:
- Ý nghĩa hoa cúc vàng
Tượng trưng cho nhiệt huyết, nghị lực vươn lên, ý chí mạnh mẽ và không cam chịu thất bại. Ngoài ra hoa cúc vàng còn mang ý nghĩa biết ơn sâu sắc đến người có công ơn với mình.
- Ý nghĩa hoa cúc trắng
Tượng trưng cho sự thuần khiết, thanh cao, trong sáng của tâm hồn. Ngoài ra hoa cúc trắng còn thể hiện sự hiếu thảo của con cháu đối với bậc sinh thành.
- Ý nghĩa hoa cúc đỏ
Tượng trưng cho sự gắn bó, đoàn kết và tình bạn đẹp đẽ dù cho có ở bất cứ nơi đâu, xa cách như thế nào đi chăng nữa. Tặng hoa cúc đỏ cho nhau như một lời hứa về sự gắn kết, và giữ vững cho tình bạn cao quý này.
- Ý nghĩa hoa cúc tím
Tượng trưng cho sự chung thủy, gắn bó trong tình yêu. Ngoài ra hoa cúc tím còn thể hiện tình yêu nồng nàn, bất chấp của những cặp đôi, bất kể khoảng cách địa lý hay khó khăn thế nào đi nữa.
- Ý nghĩa hoa cúc xanh
Tượng trưng cho niềm hy vọng, sự bình yên và hạnh phúc. Hoa còn truyền tải thông điệp về cuộc sống, giá trị nhân văn, khuyến khích con người sống nhẹ nhàng và trân trọng những gì mình đang có.
2. Ý nghĩa của hoa cúc trong đời sống
Hoa cúc được sử dụng nhiều trong những ngày lễ và sự kiện quan trọng của người dân Việt Nam. Chúng tượng trưng cho sự trường thọ, lâu dài, lòng biết ơn và hiếu thảo của con cháu đối với cha mẹ, ông bà và tổ tiên. Do đó mà mỗi khi gia đình có giỗ hay tưởng nhớ về người thân thì thường hay cắm một lọ hoa cúc vàng trên bàn thờ hoặc dùng để đi viếng mộ.
3. Ý nghĩa của hoa cúc trong tín ngưỡng, văn hóa
Một số loài hoa cúc lại có giá trị tín ngưỡng và văn hóa khác nhau theo từng quốc gia riêng biệt.
- Tại Trung Quốc
Hoa cúc tượng trưng cho sự bất tử, trường tồn với thời gian. Các truyền thuyết xa xưa của Trung Quốc có nhắc đến hoa cúc như một loại thảo dược cung tiến lên Hoàng đế với khả năng kéo dài tuổi thọ và chữa được bách bệnh.
- Tại Nhật Bản
Hoa cúc lại tượng trưng cho tầng lớp quý tộc, sự cao quý, giàu sang mà các tầng lớp thấp hơn không bao giờ đạt được. Chính vì thế mà trong một số gia huy, con ấn của Hoàng tộc Nhật Bản ngày xưa có khắc biểu tượng hoa cúc ở trong.
- Tại một số nước phương Tây
Hoa cúc đại diện cho những điều quý giá và tuyệt vời nhất. Chúng cũng mang ý nghĩa tượng trưng cho một khởi đầu mới mẻ, thường được dùng làm quà tặng bạn bè, người thân.
Bó hoa cúc hồng làm quà tặng sinh nhật, tặng người yêu
IV. Tác dụng của hoa cúc1. Làm đẹp không gian sống
Hoa cúc với vô vàn chủng loại và các màu sắc khác nhau, rất phù hợp để trang trí cho không gian sống và ngôi nhà của bạn. Chắc chắn nếu trồng hoa cúc trong nhà sẽ giúp cuộc sống của bạn tràn ngập màu sắc và dễ chịu hơn. Vậy nên hãy bắt đầu trồng hoa cúc ngay từ bây giờ nhé.
2. Trà hoa cúc có lợi cho sức khỏe
Trà hoa cúc là loại trà thảo dược vô cùng phổ biến được rất nhiều người sử dụng do khả năng đáng kinh ngạc của chúng đối với sức khỏe con người. Một số tác dụng của trà hoa cúc đối với sức khỏe có thể kể đến:
- Hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ
- Nâng cao sức khỏe hệ tim mạch
- Cải thiện sức khỏe đôi mắt
- Điều hòa huyết áp
- Cải thiện đường huyết trong máu
- Giải độc, mát gan
- Làm đẹp da
- Ngăn ngừa một số bệnh về da
- Giải cảm
- Hỗ trợ điều trị bệnh ung thư
3. Tác dụng của hoa cúc trong y học
Theo tài liệu cổ, hoa cúc trắng có vị ngọt, đắng, tính hơi hàn, trong khi đó, hoa cúc vàng có vị đắng cay, tính ôn, vào 3 kinh phế, can và thận. Hiện nay, loại dược liệu này được dùng trong dân gian để làm thuốc chữa các chứng nhức đầu, đau mắt, chảy nước mắt, cao huyết áp, sốt. Ngoài ra, loài hoa này còn được dùng để ướp chè hay ngâm rượu uống.
Theo các nghiên cứu khoa học hiện đại, hoa cúc có những hoạt chất như: choline, vitamin A, adenin, stachydrin, tinh dầu và chrysanthemin được sử dụng để điều trị các chứng bệnh sau đây:
- Kháng khuẩn: tác dụng ức chế tụ cầu trùng vàng, liên cầu trùng dung, trực trùng thương hàn, lỵ trực trùng Sonnei. Ngoài ra, hoa cúc có tác dụng nhuận tràng và dễ tiêu hóa.
- Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp: Việc ức chế phản xạ vận mạch có nguồn gốc từ trung tâm giúp hạ huyết áp hiệu quả. Từ đó, lưu lượng tim và sự dẫn truyền ở thần kinh hạch không bị ảnh hưởng.
- Chống phát ban và mờ sẹo: Vitamin A có trong hoa cúc giúp da được tái cấu trúc, sản sinh ra collagen, làm giảm dấu hiệu của sẹo trên bề mặt da.
- Điều trị hạ sốt do cảm lạnh: Một số thử nghiệm đã được áp dụng và cho thấy phần lớn các bệnh nhân đều có thể hạ sốt khi dùng hoa cúc.
- An thần: hoa cúc làm hạ hưng phấn và an thần hiệu quả.
4. Hoa cúc là nguyên liệu trong ẩm thực
Lá cúc tươi vị đắng có tác dụng kích thích sự hấp thụ của các chất dinh dưỡng. Lá có thể dùng làm món xà lách trộn và ăn kèm với các loại thực phẩm khác như lá bồ công anh và lá cây me đất. Ngoài ra, cả hoa, nụ và cánh hoa đều có vị khá ngon và có thể dùng để ăn kèm với nhiều món khác hay chế biến với rau củ và thịt. Ở nhiều nơi, cụm hoa được dùng làm giấm hoặc chế biến nước sốt. Không những vậy, nhiều đầu bếp còn dùng hoa cúc để trang trí các món ăn.
V. Quy trình trồng hoa cúc đúng kỹ thuật1. Thời điểm trồng
Hoa cúc có thể thích hợp với nhiều điều kiện thời tiết khác nhau, do đó chúng có thể trồng được quanh năm, tùy thuộc theo điều kiện khí hậu mà nơi bạn đang sinh sống.
2. Chuẩn bị đất trồng
Loại đất phù hợp nhất để trồng hoa cúc nên là loại đất mùn hoặc đất thịt nhẹ, có độ tơi xốp cao để giúp thoát nước tốt cho cây, do cúc là loài có bộ rễ chùm. Ngoài ra, đất trồng cần có độ pH từ 6-7, cần phải được cày xới cho tơi trước khi trồng.
Ngoài ra, nếu bạn định trồng cúc với mật độ lớn, cần trộn thêm phân bón loại supe lân 100kg với 1000m2 đất, sau đó dùng bạt nilon che lại để ủ. Đến khi trồng hoa thì mới bỏ ra để sử dụng.
3. Kỹ thuật trồng
Bắt đầu trồng hoa cúc khi thời tiết mát mẻ hoặc vào thời điểm mát nhất trong ngày. Đặt các cây non vào trong từng luống đất rồi lấy tay vun sát gốc. Những ngày đầu tiên khi trồng cần nhẹ tay để tránh làm nát cây, tưới đẫm nước để giúp cây sinh trưởng nhanh hơn. Ngoài ra giữ cho lá cây sạch sẽ và không bị bám bùn đất để tránh gây cản trở đến quá trình quang hợp.
4. Bón phân
Bón phân cho hoa cúc cần để ý đến liều lượng phân bón và phải được bón đúng lúc. Vào mùa Xuân - Hè, chỉ nên bón lót, còn vào mùa Thu - Đông thì cần phải bón thúc. Đảm bảo bón đủ phân Đạm - Lân - Kali để thúc đẩy quá trình phát triển của cây.
Với bón lót:
- Nên trộn đều với đất trồng hoặc rải đều lên mặt đất
Với bón thúc:
(Chia làm 6 đợt để bón, lượng bón cho 1000m2 đất)
- Đợt 1: Bón nhử, sau 10 ngày kể từ khi trồng thì bón 5kg phân urê + 5kg phân lân + 10kg phân đầu trâu.
- Đợt 2, 3 và 4: Bón sau khi trồng được 30, 40 và 50 ngày. Mỗi đợt lại bón thêm 10kg phân urê + 20kg phân supe lân + 5kg phân kali clorua.
- Đợt 5 và 6: Bón sau khi đã trồng được 60 và 70 ngày. Sử dụng 15kg phân đầu trâu + 5kg phân kali clorua bón cho mỗi đợt.
VI. Cách chăm sóc hoa cúc giúp hoa nở đẹp1. Tưới nước
Sử dụng hai phương pháp tưới cơ bản cho hoa cúc, đó là tưới trên rãnh hoặc tưới trên bề mặt của hoa. Tuy nhiên không nên tưới quá nhiều vì có thể làm úng rễ khiến chết cây, chỉ tưới đẫm vào giai đoạn phát triển nhất của cây.
2. Làm cỏ
Làm cỏ thường xuyên, nhất là khi cây hoa đã lớn để tránh cỏ dại hút hết dinh dưỡng của hoa. Đồng thời làm cỏ sẽ giúp ngăn ngừa các loại sâu bệnh hoặc côn trùng có hại tấn công hoa cúc.
3. Tỉa cành, bấm ngọn
Nếu muốn hoa mập mạp, to khỏe thì bạn nên tỉa bớt các nhánh phụ mọc ở dưới nách lá để tập trung dinh dưỡng nuôi cho hoa. Cách này chỉ nên sử dụng với những cây hoa mọc gọn, hoa có chất lượng tốt, cành lá cứng cáp. Có 3 cách bấm ngọn cho cây:
- Bấm sớm: Sau khi hoa cúc được trồng khoảng 20 ngày, hãy bấm ngọn và giữ lại 3-4 nhánh cây non.
- Bấm muộn: Với những loại cúc mọc chùm lớn, tỉa bớt các nụ trên đỉnh mọc nhanh để kích thích cho các nụ hoa phía bên mọc đều nhau.
- Bấm nhiều lần: Với những loại cúc mọc bụi, hình dáng nhỏ nhắn, có thể bấm nhiều lần để tránh sự phát triển quá nhanh của các nhánh cây.
Nguồn: https://arttimes.vn/gia-dinh/hoa-cuc-phan-loai-y-nghia-cong-dung-va-cach-trong-giup-hoa...Nguồn: https://arttimes.vn/gia-dinh/hoa-cuc-phan-loai-y-nghia-cong-dung-va-cach-trong-giup-hoa-no-dep-c59a7036.html
Nhà - Vườn