Cây hoa ngọc lan có tên khoa học là Michelia champaca L, thuộc chi nhà Mộc Lan. Đây là loài hoa vốn có nguồn gốc từ Ấn Độ, được du nhập vào nước ta từ thế kỷ thứ 19 thông qua các nhà sư từ Ấn Độ. Hoa ngọc lan có vẻ đẹp nhẹ nhàng, say đắm và có mùi hương nồng nàn cho nên được rất nhiều người ưa chuộng và nuôi trồng.
Cây ngọc lan là loại cây thân gỗ, thẳng, có vỏ trắng hơi nhám. Chiều cao của thân cây trung bình từ 5-10 mét, nhiều cây cao đến 20 mét. Lá cây có dạng vót nhọn, hình bầu dục, có màu xanh lá khi non và màu xanh đậm khi già. Hoa ngọc lan thường có từ 10-15 cánh hoa hình thuôn dài xếp xen kẽ nhau theo dạng xoắn. Hoa có nhiều màu sắc rực rỡ từ trắng, vàng, xanh cho đến tím.
![Hoa ngọc lan ý nghĩa đặc điểm và cách trồng - 1](https://s1.storage.kienthuconline.org/image/2020/08/hoa-ngoc-lan-y-nghia-dac-diem-va-cach-trong-1598730326-5f4ab056cf8b1.webp)
Hình ảnh hoa ngọc lan đẹp quyến rũ
Mùa hoa ngọc lan ở nước ta thường bắt đầu vào tháng 3 cho đến tận tháng 8 hàng năm. Với những nơi khu vực nhiệt đới thì hoa có thể nở cho đến tháng 12, thậm chí là sang tháng 1 năm sau.
1. Ý nghĩa hoa ngọc lan- Trong phong thủy, hoa ngọc lan mang ý nghĩa cho sự bền bỉ, trường tồn, sức sống mãnh liệt và sự may mắn cho gia chủ. Thế nên vào những dịp đặc biệt như tân gia nhà mới, khai trương hoặc tổ chức tiệc cưới, bạn sẽ thấy chủ nhà bỏ những bông hoa ngọc lan vào một bát nước trong vắt nhằm mục đích lấy may mắn và thuận lợi.
- Ngọc Lan còn là biểu tượng cho tấm lòng hiếu thảo, sự nhân từ, thánh thiện. Ngọc Lan cũng là cái tên được các cụ ngày xưa đặt cho con gái của mình với mong muốn con luôn ngoan hiền, hiếu thảo, xinh đẹp. Hoa ngọc lan có vẻ đẹp nhẹ nhàng, cuốn hút cùng hương thơm quyến rũ sẽ giúp thay đổi cho không gian sống của bạn thêm đẹp đẽ hơn.
- Mùi hương của hoa ngọc lan giúp loài hoa này tượng trưng cho sự lưu luyến, ấn tượng khó phai khi được dùng làm quà tặng cho người khác giới.
Hoa ngọc lan có nhiều ý nghĩa trong phong thủy
2. Công dụng của hoa ngọc lan- Hoa ngọc lan được y học đánh giá rất cao trong việc cải thiện tình trạng lưu thông máu, chống viêm, hỗ trợ hệ tuần hoàn luôn khỏe mạnh.
- Hoa ngọc lan do có mùi hương rất thơm cho nên được sử dụng để chiết xuất làm nước hoa, mỹ phẩm cho chị em phụ nữ hoặc làm hương liệu.
- Cây ngọc lan là cây thân gỗ, có sức chịu đựng cao với nhiều loại hình khí hậu khắc nghiệt, cho nên nó có tác dụng trang trí cho nhà cửa, đường xá, lấy gỗ làm trang sức, mỹ nghệ, đồ thủ công,...
3. Cách trồng hoa ngọc lan giúp hoa nở đẹpThời điểm thích hợp nhất để trồng hoa ngọc lan là từ tháng 2 đến tháng 3 dương lịch. Vì lúc đó độ ẩm còn cao, thời tiết lại đang mùa lạnh cho nên rất phù hợp để trồng các loại cây hoa.
- Cách trồng hoa ngọc lan bằng hạt: Hãy xử lý hạt bằng nước ấm từ 40 đến 50 độ C trước khi gieo, rồi để nguội dần sau 12 giờ. Tiến hành ủ hạt trong túi vải, sau khoảng 4-5 ngày hạt sẽ có hiện tượng nứt nanh. Kế đến bạn lấy những hạt này cho vào bầu đất để ươm hoặc đem gieo vào các khay cát, sau đó lấp đất lên dày khoảng 1cm, phủ rơm rạ hoặc xơ dừa xung quanh. Cuối cùng bạn làm giàn che cho cây, sau 3-4 ngày gieo thì hạt sẽ bắt đầu nảy mầm.
- Cách trồng hoa ngọc lan chiết cành: Sau khi bạn lựa chọn được cành tốt để chiết, hãy cắt và tách một vòng vỏ cây rộng từ 0,4–0,7 cm. Quấn quanh chỗ cắt bằng 1 dây đay hoặc dây gai để ngăn cho các mép vỏ mọc lại dính với nhau. Dùng xơ dừa hoặc rễ cây lục bình đặt lên chỗ cắt rồi dùng 1 mo cau hoặc 1 miếng nilon dài khoảng 20-30cm, rộng 10-20cm để bọc lại chắc chắn giúp giữ ẩm. Khi cành cây đã ra rễ non và bắt đầu chuyển sang màu vàng thì bạn có thể cắt cành chiết khỏi cây mẹ rồi cấy vào túi bầu.
Cây ngọc lan được trồng phát triển xanh tốt
4. Kỹ thuật chăm sóc hoa ngọc lan- Nước tưới: Hoa ngọc lan rất ưa ẩm cho nên cần được tưới nước thường xuyên, đặc biệt là vào mùa hè nắng gắt. Thời gian nên tưới trong ngày là vào sáng sớm hoặc chiều tối vì khi đó nhiệt độ mát mẻ sẽ giúp duy trì độ ẩm tốt hơn.
- Bón phân: Lựa chọn đất trồng tốt ngay từ đầu sẽ giúp bạn không phải tốn công bón phân bổ sung dinh dưỡng cho cây. Trong trường hợp đất xấu, cần kết hợp bón phân NPK và phân chuồng ủ để đảm bảo dưỡng chất cho cây. Từ đó tránh được nguy cơ vàng lá, sâu bệnh, cây xấu do thiếu chất.
- Che nắng: Không nên để hoa ngọc lan trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, nhất là khi thời tiết vào mùa hè. Bạn cần thiết kế giàn che nắng với độ che phủ khoảng 60-70% nhằm giúp cây được thoáng mát, không bị mất ẩm khi nhiệt độ thời tiết lên cao.
- Cắt tỉa: Khi cây hoa vào giai đoạn phát triển tốt nhất, bạn cần tỉa bớt cành lá thừa bị khô héo, cành lá mọc xấu để giúp cây đẹp hơn, định hình tán lá và giúp cây sinh trưởng tốt hơn. Ngoài ra loại bỏ cỏ dại mọc xung quanh khoảng 1-2 lần/năm để ngăn nguy cơ sâu bệnh.
![Hoa ngọc lan ý nghĩa đặc điểm và cách trồng - 4](https://s1.storage.kienthuconline.org/image/2020/09/hoa-ngoc-lan-y-nghia-dac-diem-va-cach-trong-1598897908-5f4d3ef40a142.webp)