Những người mới bắt đầu trồng hoa có lẽ chỉ cần hoa không chết là đã hài lòng, những người trồng hoa trung cấp sẽ bắt đầu theo đuổi việc trồng các loại có thể nở hoa và quan tâm tới việc làm sao để cây ra hoa như ý.
Vấn đề chủ yếu là trong quá trình chăm sóc chúng ta chỉ chú trọng bón một số loại phân phù hợp với sự phát triển của cành, lá cho hoa mà bỏ qua việc bón một số loại phân thúc cho hoa nảy mầm, phân hóa và phát triển nụ hoa. Nếu không có những loại phân bón này, hoa chắc chắn sẽ không nở. Vậy phân bón nào có thể thúc đẩy sự ra hoa của cây trồng?
1. Những loại phân bón khi trồng cây hoa nhất định phải có
Trong quá trình trồng hoa chỉ có 3 loại phân bón được sử dụng phổ biến nhất đó là đạm, lân và kali. Trong số đó, phân đạm thúc đẩy sự phát triển của lá cây và phân kali thúc đẩy sự phát triển của rễ và quả.
Còn lại thì chắc mọi người cũng đoán ra rồi. Muốn cây ra hoa thì phải bón một ít phân lân. Bạn có thể mua rất nhiều phân lân hóa học trên thị trường, nhưng sử dụng những thứ như vậy để trồng hoa chưa chắc đã tốt, điều quan trọng nhất là có thể tiết kiệm được một khoản tiền, vì vậy tốt hơn hãy tự làm một ít.
2. Cách bổ sung phân lân cho cây từ những nguyên liệu sẵn có
- Phân lân từ xương:
Trong các bữa ăn hàng ngày chúng ta thường bỏ đi rất nhiều loại xương như xương cá, xương lợn, xương gà,... những loại xương này đều rất tốt cho sự phát triển của cây.
Cách làm như sau:
Sau khi gom xương lại bạn có thể cho xương vào nồi luộc lại để loại bỏ muối bên trong xương. Sau đó vớt ra đem xương phơi dưới ánh nắng vài ngày. Sau khi xương khô giòn hãy đập xương thành bột. Loại bột xương rất giàu phốt pho và kali cực tốt cho cây cảnh.
Đặc biệt, nhiều cây phong lan sẽ thích được bổ sung bột xương khi bạn thay đất, thay chậu cho chúng. Loại phân bột xương khi bón cho cây có tác dụng rất lâu, giúp kích thích cây ra chồi mới, tạo nụ và ra hoa rầm rộ hơn.
- Lưu ý khi bón phân tự chế cho hoa
+ Tuy bón phân giúp ích rất nhiều cho cây hoa nhưng nếu bón phân sai thời điểm sẽ không có được lợi ích mong muốn. Ví dụ như, không bón phân khi cây đang gặp sâu bệnh bởi khi đó cây đang trong tình trạng bị stress, không thể hấp thu các dưỡng chất. Điều cần làm ngay là phải dùng thuốc trừ sâu để xử lý sâu bệnh. Sau khi xử lý xong thì mới bắt đầu bón phân lại để giúp cây phục hồi.
+ Không nên bón phân ồ ạt trong một lần vì dễ làm cho cây bị sốc phân, vừa không đạt hiệu quả cao vừa lãng phí phân bón. Mỗi giai đoạn bón thì bạn nên chia làm nhiều đợt bón cách nhau từ 5 đến 10 ngày để cây trồng hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn.
+ Cây trồng dư phân sẽ trở nên yếu hơn, cây không phát triển, mầm non có lá bị ngả sang màu vàng/trắng/thâm/cháy mầm nụ héo rũ, lá vàng héo như thiếu nước và rụng nhiều. Khi bắt đầu thấy hiện tượng này thì bạn nên ngừng phân ngay lập tục.