Ý nghĩa trưng hoa đào ngày Tết
Hoa đào là loại hoa đặc trưng được người Việt vô cùng ưa chuộng vào dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt là tại miền Bắc. Trưng cành đào trong nhà vào dịp Tết không chỉ là mang sắc, hương hoa vào trong nhà để không gian thêm rực rỡ, ấm cúng mà hoa đào còn bao hàm nhiều ý nghĩa tốt đẹp được gửi gắm từ bao đời nay.
Cụ thể, hoa đào được xem như tinh hoa ngũ hành của trời đất, có thể xua đuổi bách quỷ cùng những điều không may, từ đó mang lại cho gia đình một năm mới bình yên và hạnh phúc.
Không những vậy, hoa đào còn là biểu tượng của sự sinh sôi và nảy nở, vì loài hoa này thường nở vào đầu mùa xuân – mùa của sự sinh sôi và nảy nở. Nhiều người tin rằng trưng hoa đào trong nhà vào dịp Tết sẽ mang lại cuộc sống tốt lành, gặp nhiều may mắn hơn trong năm tới.
Ngoài ra, hoa đào còn là biểu tượng của tình nghĩa gắn kết và sự chung thủy, đồng thời là biểu tượng của sự an khang thịnh vượng.
“Kiếp nạn” hoa Tết năm 2024 gọi tên hoa đào
Nếu như những năm khác trời lạnh sâu, nhiệt độ xuống thấp, mọi người lo “ngay ngáy” rằng cây đào có kịp nở đúng Tết không, rồi dùng đủ các phương pháp như đốt gốc đào, dùng vitamin B1,… để kích thích cây đào nhanh ra hoa thì năm nay tình thế lại đảo chiều. Cư dân mạng khắp nơi đều đang cảm thấy vô cùng bất an trước cảnh hoa đào đã nở bung dù chỉ còn 4-5 ngày nữa mới đến Tết.
Có những gia đình mang hoa đào về trưng hôm 23 Âm lịch mà 2 ngày sau hoa đào đã nở bung. Tài khoản T.A.L chia sẻ nỗi lo về cành đào nhà mình trên một hội nhóm: “Còn mấy ngày nữa là đến Tết rồi! Cụ nào đã mua đào, mai đăng vào xem cho vui đi ạ. Năm nay trời nồm mấy ngày cuối nên hoa đào nở tung hết cả rồi, cành này em mang về hôm 23 đây, hi vọng vẫn còn hoa đón Tết”.
Bài đăng nhanh chóng thu hút sự chú ý của mọi người và tài khoản này không hề cô đơn vì dưới bài đăng, rất nhiều người có cùng cảnh ngộ giống như anh.
"Em mua từ hôm 16 âm, nay dọn hết hơi", bạn Tiến Phạm chia sẻ.
"Mới 1 tuần đã bung bét hết rồi", bạn Đặng Nguyễn Huân để lại bình luận.
"Hắt xì hơi là hết hoa", bạn Thơm Ngô hài hước nói.
"Nhà em vừa mua sáng hôm qua, chưa cả mang vào nhà", bạn Nguyễn Huệ chung cảnh ngộ.
Cành đào của bạn Vi Văn Hưởng: "24 âm lịch đã nở bung bét rồi".
Hết cành đào nở bung trước Tết lại tới những nhà than thở không thể cắm nổi đào huyền, vì vừa lên bình chưa bao lâu cành đã đổ vỡ tan cả bình. Bạn Huyền Trang Nguyễn chia sẻ: “Bí kíp cắm đào huyền không đổ là gì các bạn cho mình biết với? Chứ nhìn hình là các bạn biết gia đình mình đang bó tay bó chiếu và nghĩ tới nước mang ra vệ đường bán rồi đây này”.
Bạn Huyền Trang Nguyễn gặp khó khăn khi cắm cành đào dáng huyền.
Một người khác gặp sự cố khi cành đào huyền đổ, bình vỡ tan tành trước ngày Tết.
Cách hãm hoa đào nở sớm, nở đúng ngày Tết
Thông thường khi cắm hoa đào, người ta thường cho nước ấm hay đốt gốc, cho B1 vào bình để hoa nở nhanh. Nếu muốn hãm hoa, muốn hoa đào nở chậm lại thì với những cành đào chưng trong bình, bạn nên dùng nước lạnh để cắm.
Với những cây đào trồng trong chậu, bạn có thể dùng dao khía một vòng tròn quanh thân cách gốc chừng 10 - 15cm để hạn chế chất dinh dưỡng từ thân lên nuôi hoa. Đồng thời rải thêm một lớp sỏi lên bề mặt đất chậu, lớp sỏi này có tác dụng làm mát gốc cây, giúp giảm nhiệt độ từ đó đưa hoa vào trạng thái “ngủ”, tránh hoa đào nở bung khi chưa đến Tết.
Ngoài ra, nên để bình đào ở nơi khuất gió để tránh hoa nhanh rụng cánh.
Muốn hãm hoa đào nở bung bét trước Tết, bạn có thể cắm hoa bằng nước lạnh. (Ảnh minh họa)
Cách cắm đào huyền không bị nghiêng, đổ, dáng đúng ý muốn
Những cành đào huyền có kích thước lớn thường khó giữ thẳng trong miệng bình khi cắm. Để cắm đào huyền không bị nghiêng đổ, dáng đúng ý muốn thì khâu chọn bình rất quan trọng.
Cành đào dáng huyền sẽ phù hợp với một chiếc chuông gốm miệng nhỏ, bình này sẽ giúp định vị gốc đào chắc chắn hơn. Kích thước bình tuỳ theo cành đào mình cắm, màu sắc thường là nâu mộc hay phù hợp với không gian nội thất nơi trưng đào.
Chị Thanh Nhài (Quảng Ninh) chia sẻ cành đào huyền thích hơp nhất là cắm trong chuông gốm miệng nhỏ.
Muốn cành đào đứng chắc chắn mà không cần chằng dây ở gốc thì nên chọn chiếc chuông nặng, miệng nhỏ đổ thật đầy nước, thả cành đào vào là xong. Để yên tâm, bạn có thể buộc cố định phía đầu cành đào bằng 1 sợi dây thừng hoặc dây thép nhỏ.
Nếu bình miệng rộng, nên chèn thêm gạch xuống đáy, hoặc có thể dùng sỏi trắng để cố định cành hoa, giúp cành không bị nghiêng ngả, đúng dáng như ý muốn. Không nên dùng cát cắm đào vì cát bít mạch hút nước, cành hoa sẽ nhanh héo.