Dưới đây là 10 công trình được tạp chí Business Week đánh giá là kiệt tác kiến trúc của năm 2006.
Vườn thực vật Hoàng gia Anh
Được hoàn thành tháng 3/2006, Davies Alpine House là sự kết hợp của công nghệ thông minh, ví dụ các ô thoáng sẽ tự động đóng lại khi trời mưa, với phong cách trang trí hoàn toàn đơn giản. Kiến trúc của công trình cũng nhằm phục vụ tối đa công năng của nó. Ví dụ như cấu trúc toàn kính và thép giúp khí nóng bay lên theo các ô thoáng trên mái, trong khi khí lạnh sẽ vào trong tòa nhà theo các ô thoáng ở phía dưới.
Tòa nhà Hearst, New York, Mỹ
Trụ sở mới cao 46 tầng của tập đoàn Hearst là một kiệt tác về kiến trúc xanh. Cấu trúc hình mắt lưới của nó giúp tiết kiệm được 20% lượng thép phải dùng so với khung nhà bình thường. Tòa nhà có bộ phận cảm ứng tự động điều chỉnh hệ thống chiếu sáng hoặc tắt toàn bộ đèn khi ánh sáng ngoài trời đủ dùng. Công trình không sử dụng điều hòa mà hệ thống HVAC tiên tiến sẽ sử dụng không khí tự nhiên để hạ nhiệt và làm thoáng khí ở bên trong. Nhờ vậy, năng lượng và carbon dioxide thải ra sẽ giảm 22% so với các tòa nhà cùng quy mô tại New York.
Apple Store, New York, Mỹ
Hãng máy tính Apple mới khai trương trên đại lộ số 5, New York một cửa hàng hình khối rubic với chiều cao gần 10 m. Đây thực sự là một thiên đường với các loại máy tính của hãng và toàn bộ cầu thang tại đây đều được thiết kế bằng kính trong suốt.
Glenn House, California, Mỹ
Ngôi nhà tiết kiệm năng lượng này là công trình đầu tiên tại Mỹ được xếp hạng "platinum", thứ bậc cao nhất theo hệ thống xếp hạng LEED danh giá của Hội đồng xây dựng Mỹ.
Tòa nhà Quốc hội xứ Wales, Anh
Tòa nhà còn có tên là Senedd này có nhiều điểm ưu việt như sử dụng hoàn toàn vật liệu sẵn có tại Wales, hệ thống thông gió tự nhiên. Trong khi các công trình của chính phủ thường được thiết kế và xây dựng theo kiểu "kín cổng cao tường", toàn bộ bề mặt của Senedd đều được lắp kính.
Tòa nhà liên bang, San Francisco, Mỹ
Tòa nhà 18 tầng này được coi là một điển hình về kiến trúc thân thiện với môi trường. Nó là tòa tháp đầu tiên ở Mỹ không sử dụng điều hòa không khí trên 70% diện tích. Trên nóc tòa nhà là vườn cây và khu làm việc được thiết kể mở nhằm tạo sự liên kết giữa các nhân viên cũng như tạo ra môi trường văn phòng thân thiện.
Big Dig House, Massachussets, Mỹ
Thoạt nhìn, Big Dig House không có gì nổi bật, nhưng điểm đặc biệt là nó được xây dựng từ thép và bê tông còn thừa của các đại công trình trong thành phố.
Sân vận động Wembley, London, Anh
Với 90.000 chỗ ngồi, Wembley trở thành sân vận động lớn nhất thế giới. Hai cột đỡ của sân sân cũ xây dựng từ năm 1924 đã được thay thế bằng tháp vòm cao 130 m và gánh đỡ luôn 5.000 tấn cho mái che có thể di chuyển nặng 7.000 tấn của Wembley. Việc tận dụng thiết kế của tháp vòm giúp cho tầm nhìn của khán giả không bị che chắn. Tháp vòm Wembley là cấu trúc mái lớn nhất thế giới (315 m) nên đứng ở bất cứ vị trí nào của London cũng có thể nhìn thấy.
Viện y học Howard Hughes, Virginia, Mỹ
Viện y học Howard Hughes được coi là một thiên đường đối với các nhà khoa học. Tại đây có khu căn hộ cho các giáo sư thỉnh giảng và các nhà khoa học đến làm việc trong thời gian ngắn. Khu hội nghị và một khu nghiên cứu có diện tích tương đương một tòa nhà 85 tầng.
Cầu Donghai, nối Thượng Hải - đảo Yangshan, Trung Quốc
Donghai hiện giữ kỷ lục là cây cầu vượt biển dài nhất thế giới với chiều dài 32 km và 6 làn đường. Cây cầu cáp dây văng duyên dáng này bắc ngang biển đông Trung Quốc, nối Thượng Hải với đảo Yangshan. Cầu Donghai là một phần dự án xây dựng cảng tự do thương mại đầu tiên của Trung Quốc và cũng là cảng container lớn nhất thế giới, dự kiến hoàn thành vào năm 2010. Giao thông vẫn đảm bảo an toàn trong điều kiện gió bão và lốc nhờ cầu được thiết kế theo hình chữ S. Theo Nhật báo Thượng Hải, cầu Donghai có chi phí lên tới 1,2 tỷ USD.
N.C. (Theo Business Week)