Đó là một làng thuộc xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, Hà Nội. Nơi ấy còn rất nhiều ngôi nhà có tuổi đời nhiều trăm năm tuổi. Làng cổ Cốc Thôn ít được nhắc tới dù là hàng xóm và tuổi đời cũng không kém cạnh so với làng cổ Đường Lâm.
Điều đặc biệt nhất ở ngôi làng nhỏ hồn hậu này là những nếp nhà cổ dường như còn vẹn nguyên chưa bị cơn lốc đô thị hóa chi phối.
Năm vừa rồi, Cốc Thôn sửa lại Hậu cung đình làng, hết vài trăm triệu đồng nhưng toàn bộ kinh phí do nhân dân đóng góp. Tại Hậu cung của đình vẫn còn lưu giữ bảng khắc chữ có từ thời Lê.
Những vạt tường loang lỗ dấu vết thời gian.
Nhà cổ Cốc Thôn kiến trúc truyền thống. Những ngôi nhà này được xây dựng bằng đá ong, gạch mộc, gắn kết bằng đất trộn với trấu. Cột trụ và trần nhà thường được làm bằng gỗ xoan đào. Thường thì 3 gian giữa ngôi nhà được đặt bàn thờ cùng ông bà tổ tiên, 2 gian bên được kê 2 chiếc giường ngủ.
Mái nhà bao giờ cũng võng hình cánh cung, lợp ngói mũi theo lối lợp chen vai, cài cánh, đan xít vào nhau như vảy rồng.
Có những mái ngói nặng hàng tấn khiến người ta phải dùng bộ khung gỗ tốt như lim, sến, táu... Giữa mùa hè nóng nực, nhưng bước chân vào những ngôi nhà cổ này lại rất mát.
Ngôi nhà cổ gần 200 tuổi của gia đình ông Nguyễn Bá Tạo, 4 thế hệ cùng chung sống. Ông Tạo tâm sự: "Phá đi xây nhà mới thì dễ lắm nhưng muốn giữ nét quê để con cháu đi làm ăn, công tác xa trở về quê có nét riêng”.
Ở Cốc Thôn, còn hàng chục ngôi nhà không tuổi như thế này.
Ông Nguyễn Minh Tường, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thượng thừa nhận, xã chưa có kế hoạch cụ thể gì nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị này để phục vụ phát triển du lịch, vì vượt quá tầm của địa phương. Có lẽ vì thế mà Cốc Thôn là ngôi làng cổ gần như duy nhất ở thủ đô chưa bị đô thị hóa làm mai một.
Ông Nguyễn Tiến Liên đưa chúng tôi về nhà để chiêm ngưỡng ngôi nhà cổ của gia đình mình. Đó là một ngôi nhà ngang 5 gian, những đường hoành được chạm trổ nghệ thuật tinh vi và bắt mắt.
Theo thời gian, những bức tường đất đã có phần xuống cấp, nhưng bộ khung gỗ với cột kèo, khung cửa có ngạch cao ngang đầu gối vẫn được gia đình ông Liên giữ gìn nguyên vẹn.
Khi chúng tôi hỏi về tuổi đời của ngôi nhà, ông Liên lắc đầu: "Cái này mới khó đây, kể cả bố tôi cũng không biết nhà được xây từ bao giờ. Nếu còn sống, năm nay ông đã 102 tuổi. Lúc sinh thời ông kể lại rằng lớn lên đã thấy nhà có rồi".
Vậy là ông Liên cũng chỉ biết rằng, ngôi nhà có ít nhất 102 năm tồn tại chứ không thể biết chính xác nó bao nhiêu tuổi.
Ông Nguyễn Tiến Liên với căn nhà cổ ông nhà để lại.
Theo ông Liên thì tình trạng không biết tuổi của những căn nhà cổ ở Cốc Thôn là khá phổ biến. "Đơn giản nó cổ quá, hơn nữa trước đây có nhà là ở thôi chứ không ai tìm hiểu gì cả", ông Liên nói.
Ông nhẩm tính, hiện ở Cốc Thôn còn hơn chục ngôi nhà cổ vẫn nguyên vẹn, chưa bị sửa chữa làm thay đổi kiến trúc.
Cách nhà ông Liên không xa là căn nhà của gia đình cụ Nguyễn Thị Mẫn. Năm nay, cụ đã ngoài 80 tuổi nhưng cũng giống ông Liên, cụ Mẫn không biết chính xác tuổi đời của căn nhà mình sở hữu. Người Cốc Thôn cho rằng nhà cụ Mẫn là một trong những ngôi nhà cổ kính nhất, lâu đời nhất làng.
Theo lời cụ Mẫn thì từ thời cụ về làm dâu trong gia đình đã được nghe bà nội của chồng kể về ngôi nhà. Thời đó, các cụ thường tranh thủ những ngày nông nhàn vào rừng chặt gỗ, rồi cho trâu kéo về, phải tích cóp rất lâu mới đủ gỗ làm nhà. Ngôi nhà ấy đã qua sáu, bảy thế hệ.
Ông Nguyễn Bá Tạo, con trai cụ Mẫn cho biết thêm, các đoàn nghiên cứu, khảo sát về thăm, đọc đôi câu đối còn lưu lại ở gian giữa đã cho rằng ngôi nhà được xây vào đời vua Tự Đức. Nhà được làm theo kiến trúc truyền thống: 3 gian, 2 buồng, 1 dĩ, mái lợp ngói mũi, cửa gỗ kiểu bức bàn, các vì kèo được khéo léo kết hợp với nhau theo lối câu đầu lộn túi, nhà được đỡ bằng hệ thống cột 5 hàng chân, tường nhà xây bằng đá ong, vữa đất...
Mặc dù với Cốc Thôn hiện vẫn giữ được khá nguyên vẹn những nét cổ kính xưa cũ đã trở thành đặc trưng của vùng nông thôn truyền thống, nhưng không phải là không phát sinh những vấn đề ở những ngôi nhà cổ này. Do tuổi đời cao, một số ngôi nhà đã bị xuống cấp, bong tường, mối mọt, mái ngói hư hỏng.