Bất cứ năm nào, dù đỉnh lũ có cao đến đâu và người dân trong vùng thường phải dùng ghe, thuyền di chuyển thì tại ngôi chùa Cổ Sơn này, nước cũng chỉ mấp mé tới mép cổng mà thôi. Vì thế, không chỉ nhuốm màu sắc tâm linh huyền bí trong dân gian, thực tế ngôi chùa còn là nơi mà xưa kia người dân quanh vùng thường tìm về tránh bom, tránh lũ trong mỗi mùa nước đến.
Ngày nay, bên cạnh nhiều giai thoại của quá khứ xa xưa, hàng trăm du khách tìm đến ngôi chùa này còn là bởi nó đang dần trở thành một trong những địa điểm du lịch khá hút khách ở miền Tây vì những điều lý thú khác lạ.
"Chùa Nổi" nhìn từ bên này bờ Vàm Cỏ Tây.
Được biết, "Chùa Nổi" được xây dựng vào những năm đầu thời vua Gia Long, tức khoảng 1820. Truyền rằng, ngôi chùa này trước kia là một gò đất nhô cao hơn so với những khu vực khác. Ngày đó, vùng này còn rất hoang sơ, cây cỏ mọc um tùm. Mùa nước nổi, quanh năm suốt tháng khắp nơi ngập nước nên hàng ngày, đám trẻ con đi chăn trâu, cắt cỏ thường tụ tập ở gò đất này. Chúng lấy đất nặn thành những pho tượng để vui chơi. Những bậc cha mẹ phụ huynh thấy vậy, sợ con cái mải chơi quên chăn trâu cắt cỏ bèn lén ném những bức tượng đất ấy xuống sông Vàm Cỏ Tây. Thế nhưng, kỳ lạ thay những bức tượng đất ấy lại nổi lên, không chìm như những hòn đất vô tri khác. Thấy có sự lạ, đoán rằng đây là vùng đất thiêng liêng, có linh khí nên mọi người bèn vớt các bức tượng ấy, xếp ngay ngắn lại, lập một cái am nhỏ để thờ cúng, cầu mong sự an lành. Lâu dần, nhiều người biết chuyện đã chung tay góp công sức, của cải để xây chùa. Tuy nhiên, trải qua nhiều năm chiến tranh tàn phá, chùa phần nào bị đổ nát, hư hỏng. Đến năm 1985, chùa mới chính thức được xây dựng lại và có hình dáng kiến trúc gần như nguyên vẹn cho tới ngày nay. Phải chăng, cũng vì sự tích ấy mà người dân đã đặt thêm cho chùa Cổ Sơn là "Chùa Nổi"?
Theo quan sát của chúng tôi, chùa Cổ Sơn đúng là tọa lạc trên một khu đất nhô cao hơn so với mặt bằng chung, nhưng thực tế, nó cũng không quá cao bởi địa hình vùng đất này là chiêm trũng, đồng đất nối tiếp nhau. Nếu tính từ mặt đường, nền của ngôi chùa chỉ cao chừng khoảng hơn 1 mét, được biểu hiện bằng những bậc tam cấp xây lên. Chùa được xây khá cầu kỳ, theo phong cách kiến trúc người dân Nam bộ, có mái dài che bốn phía. Trước mặt chùa là dòng sông Vàm Cỏ Tây êm đềm như dải lụa suốt từ bao đời nay. Mặc dù những câu chuyện dân gian nổi tiếng ở chùa Cổ Sơn đều đã được mọi người gần xa biết đến từ hàng trăm năm nay. Nhưng chùa Cổ Sơn vẫn đang còn là đề tài cần khám phá, được nhiều người, nhất là các nhà nghiên cứu, nhà khảo cổ học quan tâm, đặc biệt là dấu ấn khảo cổ học.
Có thể nói, đứng trên chiếc cầu sắt bắc ngang qua dòng Vàm Cỏ Tây, nhìn về phía ngôi chùa giữa mênh mang nổi, thỉnh thoảng vọng lại tiếng chuông đồng với âm thanh ngân nga mà chúng tôi không khỏi bâng khuâng. Dường như, đó chính là tiếng gọi linh thiêng của tiền nhân, những người đầu tiên đi mở cõi ở vùng đất này vọng về, xa thẳm.
Con đường duy nhất vào chùa là cây cầu treo vắt ngang Vàm Cỏ Tây.
Cổng "Chùa Nổi".
Chùa được xây dựng trên nền đất khá cao với nhiều bậc đi lên.
Chính điện chùa được xây dựng khá giản đơn nhưng có niên đại lâu năm.