Nói về cơ duyên đến với nghề trồng lan, anh Đỗ Bá Tuất (Nguyên Quán, Phường Cải Đan, TP. Sông Công, Thái Nguyên) chia sẻ: Trước khi đến với mô hình trồng lan anh đã từng trải qua nhiều mô hình nông nghiệp khác nhau và cũng đã đi tham quan học hỏi các mô hình kinh tế ở nhiều nơi. Nhưng mảnh đất đã đưa anh đến với nghề trồng lan và thay đổi cuộc đời anh như hôm nay chính là vùng đất quê ngoại Hưng Yên.
Năm 2013, anh quyết định bắt tay vào thực hiện mô hình trông lan đột biến với số vốn khởi điểm ban đầu 20 triệu đồng, được vay từ Hội phụ nữ phường.
Anh Tuất đang giới thiệu lan cho khách đến mua và tham quan tại vườn
Sau một thời gian bắt tay vào trồng lan nhận thấy thị trường lan ngày càng phát triển tốt và mang lại thu nhập kinh tế ổn định nên anh Tuất đã quyết tâm gắn bó với nghề trồng lan.
Theo anh Tuất, ban đầu do chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như kiến thức nhận biết về đặc tính các loại lan, chăm sóc nên anh cũng gặp không ít khó khăn. Nhưng qua tích lũy kinh nghiệm thực tế, học tập và trau dồi kiến thức, từ diện tích hơn 40m2 trồng lan lúc ban đầu, đến nay vườn lan của anh đã mở rộng lên tới gần 3000m2 với hàng trăm giống lan các loại, trong đó chủ yếu là trầm lai và phi điệp Thái Nguyên.
Hiện tại, trong vườn lan của anh gồm nhiều loại lan có giá trị cao như lan đột biến năm cánh trắng, hoàng nhạn đột biến (Thái Lan), Dylinh (Lâm Đồng), phi điệp, giả hạc lào, hồng xòe, kiều tím… với giá trị có loại lên tới 9 triệu/cm
Từ diện tích 40m2 trồng lan lúc ban đầu đến nay anh đã mở rộng diện tích vườn lan lên tới gần 3000m2 với hàng trăm giống lan các loại.
Lan phi điệp năm cánh trắng Phú Thọ là một trong những giống lan có giá trị kinh tế cao trong vườn lan của gia đình anh Tuất.
Dẫn PV Dân Việt đi tham quan vườn lan của mình, anh Tuất tâm sự: Mỗi loại lan có đặc tính và cách chăm sóc khác nhau. Tuy nhiên, việc trồng và chăm sóc lan cơ bản không vất vả và tốn nhiều thời gian nếu hiểu biết về môi trường sống, đặc tính của từng loại. Điều quan trọng nhất để cây lan sinh trưởng, phát triển là chăm sóc tốt cây bố mẹ và lan phải được tưới nước đầy đủ thường xuyên. Theo anh Tuất, hiện nay trong vườn của anh, giống lan khó chăm sóc nhất là lan hài và lan kim tuyến bởi hai loại lan này không phù hợp với môi trường khí hậu và thời tiết ở Việt Nam.
Anh Tuất vừa dẫn PV xem từng khu vườn lan, vừa giới thiệu về tên và đặc tính của từng loại lan khác nhau. Điểm khác biệt giữa lan đột biến với các loại lan thông thường là ở màu sắc, hình dáng bông hoa và thời gian hoa nở. Bởi vậy cần phải có kinh nghiệm và kiến thức mới có thể phân biệt được. Hơn nữa lan đột biến có cách chăm sóc khác và giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với các loại lan thường.
Vườn lan của gia đình anh Tuất với hàng trăm loại hoa lan đa dạng màu sắc.
Bên cạnh đó, anh Tuất còn cho biết thêm: Ngoài việc trồng và chăm sóc lan sinh trưởng phát triển, anh còn trực tiếp thực hiện việc cấy mô, ươm ki rồi nhân giống các loại lan để bán ra thị trường. Thông thường, thời gian từ lúc ươm mầm đến khi cây giống có thể sinh trưởng phát triển tốt mất khoảng 9 tháng.
Ngoài việc trồng và chăm sóc lan sinh trưởng phát triển, anh Tuất còn trực tiếp thực hiện việc cấy mô, ươm ki rồi nhân giống các loại lan để bán ra thị trường
Anh Tuất cho biết, trong vườn lan của gia đình anh hiện nay có khoảng vài nghìn giò lan lớn nhỏ với đa dạng các chủng loại khác nhau, có những giò lan có giá trị vài trăm triệu đồng. Bởi vậy thu nhập hiện tại từ việc trồng lan của gia đình anh mỗi năm lên đến hàng tỷ đồng.
Là người đầu tiên đến với mô hình trồng lan ở vùng đất này, anh Tuất đang có mong muốn nhân rộng mô hình lan ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên để giúp nhiều gia đình khác thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế. Với anh Tuất, việc trồng lan vừa là niềm đam mê, là sở thích và thú vui tao nhã vừa để làm giàu.
Lan của gia đình anh được bán chủ yếu cho người chơi lan ở Hà Nội, Phú Thọ, Hòa Bình, thậm chí mở rộng cả sang Lào và Campuchia. Tuy số lượng lan hiện tại trong vườn khá lớn, nhưng theo anh Tuất thì vẫn không đủ cung cấp ra thị trường cho người chơi lan.