Lan hồ điệp có tên khoa học là Phalaenopsis, thuộc họ hoa lớn nhất thế giới với hơn 100.000 giống hoa khác nhau. Loại cây này phát triển trong rừng nhiệt đới và được người dân đưa về trồng bởi vẻ đẹp của nó. Thân cây tròn trịa, cánh hoa đẹp đẽ mọc đối xứng mang lại vẻ đẹp tinh tế và sang trọng.
Lan hồ điệp là giống cây được đánh giá là khó trồng và khó chăm. Nhiều gia đình lại thường không chăm chút hoa lan hồ điệp đúng cách sau dịp Tết khiến phần lớn lan hồ điệp đều bị chết hoặc không thể phát triển tiếp.
Bởi thế, nếu muốn những cây lan hồ điệp đã chưng trong dịp Tết có thể tiếp tục nở hoa vào tết năm sau, mọi người cần biết cách chăm sóc:
Bước 1: Cắt bỏ phần ngồng hoa
Khi hoa lan hồ điệp trên cành bị héo khoảng 2/3, ta dùng kéo cắt bỏ ngồng hoa. Việc này khiến cây không bị kiệt sức khi phải cung cấp chất dinh dưỡng để nuôi hoa. Cách cắt ngồng hoa lan hồ điệp: Vị trí cắt lý tưởng nhất để tránh cây bị sâu bệnh là cách mắt ngủ cuối cùng trên cần hoa khoảng 3cm. Lưu ý khi cắt cần khéo léo để tránh làm dập lá.
Bước 2: Cắt bỏ lá và rễ hư
Đối với những lá bị nấm, cẩn thận dùng kéo cắt bỏ hoàn toàn lá đó. Trong trường hợp lá bị úa vàng, bị thối chưa quá ⅓ lá, chỉ cần dùng dao thật sắc để cắt bỏ phần hỏng đó.
Đối với phần gốc và rễ của cây lan, ta rút bỏ bầu nhựa, song song với đó là dùng kéo đã được rửa sạch để loại bỏ những rễ bị thối, chỉ giữ lại rễ vẫn còn tươi xanh. Sau đó, tại tất cả các vết mà bạn đã cắt, hãy bôi vào một trong những thứ sau tùy khả năng của bạn: vôi, sơn móng tay, thuốc làm liền da cây, keo 502.
Bước 3: Cố định thân cây
Đặt nguyên bầu cây vào chậu và dùng dây cố định, không cho cây lung lay khi cầm chậu. Đổ dớn cọng (giá thể trồng lan dạng sợi) sau khi đã xử lý nấm vào xung quanh chậu. Chú ý, vỗ nhẹ để dớn cọng hơi chặt và hở gốc để có thể quan sát quá trình phát triển của rễ cây.
Bước 4: Đặt cây ở vị trí thuận lợi
Đặt chậu vào vị trí mát mẻ, tránh mưa và tránh ánh sáng trực tiếp. Vì cường độ ánh sáng cao dễ khiến lá hồ điệp bị tổn thương và gây ra tình trạng thối nhũn của lan.
Bước 5: Bón phân, tưới nước cho cây
Tiếp đến, bạn có thể chọn hoặc Atonik hoặc phân bón B1, dùng pha loãng theo tỷ lệ 1/2 thìa cà phê cho 20 lít nước. Dung dịch này sẽ được dùng để phun sương ẩm hàng ngày cho cây. Khi thấy cây lan hồ điệp ra rễ non, thường sau khoảng 1 - 2 tuần thì bỏ thêm một lớp đất vào trong chậu. Sau khi chăm sóc cẩn thận từ 1 đến 2 tháng thì cây lan hồ điệp của bạn sẽ phát triển ổn định trở lại, kể từ đây bạn có thể bón phân, tưới nước cho lan như bình thường.
Để chăm sóc tốt cho cây sau Tết, ta cần lưu ý những điều sau đây:
- Dù cây lan không háo nước, song lại dễ bị nấm, do đó cần phải phun thuốc chống nấm thường xuyên.
- Cần để ý bổ sung nước giữ ẩm cho cây vào mùa khô và hạn chế để nước đọng lại trên lá, hoặc tiếp xúc trực tiếp với lá vào mùa mưa, dễ gây nên tình trạng úng, thối lá.
- Lan không yêu cầu quá nhiều ánh sáng, do đó bạn có thể đặt chúng cạnh cửa sổ là vừa đủ lượng ánh sáng cần thiết.
- Các loại sâu hại thường dễ bám vào lá lan gây hư hại. Do đó, người trồng lan nên lưu ý rửa lá bằng nước xà phòng hoặc thuốc trừ sâu thường xuyên. Sau mỗi lần rửa lá thì lau lại bằng vải mềm.