Nhà thờ họ Trần không có ai ở và được dành làm nơi thờ tự
Biệt thự vắng người
Cách trung tâm Hà Nội 40km về phía nam, làng Cựu với số dân chưa đến 200 người nằm lặng lẽ trong huyện ngoại thành sầm uất. Đi hết làng Cựu chỉ thấy 1 – 2 cửa hàng tạp hoá nhỏ, bán đồ lặt vặt. Chợ họp ở gốc bàng, cạnh bờ sông cũng chỉ vài người bán mấy cân thịt lợn, đậu phụ, một ít cá mới bắt,…
Biệt thự ở ngôi làng ngoại thành này mang đặc trưng của kiến trúc Pháp với cổng mái vòm và trang trí cầu kỳ. Tuy nhiên, biệt thự làng Cựu sử dụng nguyên vật liệu thuần Việt như gạch bát, rơm, ngói,… đã khiến ngôi làng “Tây” này vẫn mang dáng dấp của một ngôi làng đồng bằng Bắc bộ điển hình.
Người cho xây dựng các biệt thự ở làng chính là những thợ may nổi tiếng Hà Thành những năm 30 của thế kỷ thứ XX như ông Phúc Hưng, Phúc Mỹ... Qua thời gian, làng Cựu chỉ còn khoảng 30 biệt thự vì “Thứ nhất là đói. Thứ hai là nó cũng sụp đổ nhiều, không có tiền tôn tạo”, bà Trần Thị Lợi, một người dân trong làng cho biết.
Nhiều ngôi biệt thự được chia ra làm 2 – 3 hộ gia đình và phân nửa trong số đó không có người ở vì chủ nhân an cư lập nghiệp trong nội thành hoặc sinh sống ở các vùng miền khác. Nếu không tính riêng các biệt thự thì số ngôi nhà bỏ không ở làng Cựu lên tới con số gần 40 hộ trong tổng số hơn 100 nóc nhà.
Chỉ vào dãy nhà ngoài mặt đường, một cụ bà bảo với chúng tôi: “5 – 6 nhà liền nhau đều đóng cửa bỏ đấy. Ngay xóm tôi có 3 nhà nhưng có mình nhà tôi ở. Nhà tôi cũng chỉ có mình tôi. Hè đến mấy đứa cháu mới về chơi”. Đi dọc làng Cựu, đập vào mắt chúng tôi là những cánh cửa gỗ đã mục và những chiếc khoá hoen gỉ do mưa nắng lâu ngày.
... Tối ra đường không gặp một ai
Ngôi nhà lợp Fibro xi măng của ông Nguyễn Văn Tài hiện nay được làm trên mảnh đất của ông Đức Lợi có ngôi nhà 3 gian to đẹp trước đây. Nhưng ngôi nhà này đã bị sập mấy năm trước. Sau đó, ông Tài mua lại mảnh đất này và ông Đức Lợi mua lại hai ngôi nhà biệt thự ngoài đầu làng nhưng cũng đều bỏ không.
Tôi ghé nhà chị Nguyễn Thị Lý gần cuối làng với ngôi biệt thự có khung cửa sổ tròn, từng được coi là một trong những ngôi nhà đẹp nhất trong làng. Thực tế, biệt thự này hoang tàn đến mức khó lòng nhận ra vì tường nứt, rêu bám đầy, cửa mục nát hết. Cả chiếc cầu thang bằng gỗ được chạm trổ vô cùng công phu cũng mục nát và vứt chỏng trơ trong xó buồng.
Ngôi biệt thự này có tới 3 chủ nhân nhưng chỉ có gia đình chị Lý ở gian nhà dưới ngoài cùng. Hai chủ nhân còn lại của biệt thự 1 – 2 năm mới về một lần nên chị Lý cũng không biết hàng xóm sát vách, chung sân, chung cổng với mình là ai. Nghĩ một lúc lâu, chị Lý mới nhớ ra “ông nhà kia là ông Thọ, còn ông nhà này thì không biết”.
Gần chục năm về làng làm dâu, chị Lý gặp không ít chuyện khôi hài. Chị kể có hôm đi làm về, thấy ngỡ ngàng vì bỗng dưng có người lạ ngồi trên bể nước nhà mình hái khế ăn. Gặng hỏi, vị khách mới trả lời: “Bác là chủ cái nhà này”. “Nhiều lúc cũng tức lắm vì có ai biết ai đâu, cứ tự nhiên vào… như nhà mình”, chị Lý cười.
Chị Lý cũng ít khi ra khỏi nhà vì xung quanh nhà chị toàn người già 70 – 90 tuổi, hay tắt đèn đi ngủ sớm. Trong khi đó, đi ra đường chị cũng “phát sợ” vì “làng toàn nhà khoá cửa. Tối ra đường không gặp một người nào”.
Ngay giữa làng, căn nhà to đẹp từng được trưng dụng làm trường học của cụ Nghiêm bị bỏ không đã 30 năm đang được con cháu tu sửa lại. Bà Cao Phụng Thời (Tràng Tiền, Hà Nội) là con dâu cụ Nghiêm thở dài: “Đứa cháu nó muốn phá đi xây mới nhưng chúng tôi không đồng ý vì không muốn mất những kỷ niệm gắn bó với mình”. “Đang sửa đấy nhưng chắc cũng phải đến 300 triệu”, bà Thời cho biết thêm.
Xóm có ba nhà biệt thự đẹp thì có tới hai nhà bỏ không
Những ngôi nhà hoang tàn không người chăm nom
Đồ đạc mang dấu ấn thời gian bên trong một ngôi nhà đã không người ở 30 năm
Trước đây biệt thự này đẹp nhất nhì làng
Cửa cổng của các nhà biệt thự này thường bằng gỗ và đang dần mục nát
Ngôi nhà của cụ Phó Du trước đây là một trong ít những biệt thự có người ở
Biệt thự 2 tầng của ông Đức Lợi xuống cấp nên phá đi xây mới, giữ nguyên cổng và tường nhưng chủ nhân của nó cũng không ở đây