"Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng" - Đó là câu tục ngữ từ ngàn đời xưa và trở thành tín ngưỡng dân gian không thể thiếu trong phong tục của người Việt ta.
Theo phong tục, đêm ngày 15/1 âm lịch hay Rằm tháng Giêng còn được gọi là Tết Nguyên Tiêu, bất cứ trong thành thị hay ở nông thôn, đâu đâu cũng treo đèn kết hoa (hiện nay đã hạn chế nhiều) và thực hiện các nghi lễ cúng rằm để cầu mong một năm mới bình an, may mắn và nhiều tài lộc.
Mâm lễ cúng Rằm tháng Giêng tại nhà thường được nhiều gia đình chuẩn bị. Ảnh minh họa
Truyền thuyết về ngày lễ cúng Rằm tháng Giêng kể rằng, Tết Nguyên Tiêu được cho có từ thời vua Hán Vũ Đế. Thời ấy, các cung nữ sau Tết Nguyên Đán đến Tết Nguyên Tiêu đều nhớ nhà và nhớ cha mẹ, nhưng cung vua canh phòng cẩn mật không làm thế nào để ra gặp mặt cha mẹ được.
Đông Phương Sóc, một triều thần của nhà vua, vốn rất thông minh và nhiều mưu trí, khi nghe chuyện này, bèn tìm cách giúp các cung nữ thực hiện ước nguyện gặp mặt cha mẹ. Đầu tiên Đông Phương Sóc tung tin là Hỏa Thần sẽ cử người đến thiêu hủy thành Trường An khiến trong nội thành hoang mang khiếp sợ.
Đông Phương Sóc hiến kế với vua Hán Vũ rằng, tối ngày rằm mọi người trong cung phải đi lánh nạn ở ngoài cung điện, còn từ đường to, ngõ hẻm, trước nhà, sau sân trong nội thành đều treo đèn lồng đỏ, tạo nên cảnh giả như thành Trường An đang lửa cháy rừng rực để đánh lừa Hỏa Thần.
Vua Hán Vũ đã đồng ý kế này của Đông Phương Sóc, thế là các cung nữ được gặp mặt người thân nhân dịp Tết Nguyên Tiêu.
Nhà nhà thường treo lồng đèn vào ngày lễ cúng Rằm tháng Giêng. Ảnh minh họa
Kể từ đó, ngày Rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm nhà nhà đều treo lồng đèn và làm mâm lễ cúng Rằm tháng Giêng thờ thần Phật, thần linh và gia tiên để tưởng nhớ và cũng là cầu mong một năm mới bình an, nhiều tài lộc.
Tuy nhiên theo quan niệm từ nhiều đời nay, trong một năm chọn lấy một ngày, trong một ngày chọn lấy một giờ. Vì thế, trong ngày 15/1 âm lịch cũng chỉ có một giờ chuẩn nhất, phù hợp nhất để làm lễ cúng Rằm tháng Giêng.
Giờ thích hợp nhất để làm lễ cúng Rằm tháng Giêng tại nhà đó là giờ Ngọ - thời khắc này là đúng thời khắc thần Phật giáng thế. Làm lễ cúng Rằm tháng Giêng cũng là cách để chào đón thần Phật một cách long trọng nhất.