Có rất nhiều loại cây xưa thường dùng cho lợn ăn nhưng nay lại được trồng trong chậu làm cây cảnh, làm thuốc và làm thức ăn, chẳng hạn như cây sâm đất. Loại cây này còn có tên gọi khác là cây mồng tơi sâm, sâm thổ, đông dương sâm, sâm thổ cao ly,…
Đây là loại cây thân thảo sống lâu năm, lá cây mọc so le, phiến lá dày và cả hai mặt đều bóng. Cây sâm đất ra hoa vào tháng 6 – tháng 7, và có quả vào tháng 9 – tháng 10. Hoa nhỏ màu hồng, xếp thành từng chùm, quả khi chín có màu nâu hoặc xám tro.
Tác dụng của cây sâm đất
Nhiều bộ phận của cây sâm đất có thể dùng làm thuốc, chẳng hạn như thân, lá, rễ. Trong đông y, lá cây sâm đất có vị ngọt, tính bình, có thể dùng để chữa đau bụng, đau răng, cảm mạo, bệnh gan, cao huyết áp, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, bồi bổ cơ thể khi suy nhược, kinh nguyệt không đều, ít sữa,…
Củ sâm đất có vị hơi đắng và cay, có tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng, long đờm, giảm đau,… Củ sâm đất có thể dùng để ngâm rượu uống, lá có thể được chế biến thành nhiều món ăn ngon chẳng hạn như luộc, xào, nấu canh để thanh nhiệt, làm mát gan. Canh rau sâm đất ăn có vị ngọt, hơi chua giống như rau mồng tơi nhưng không nhớt.
Ngoài dùng để làm thuốc và ăn được, loại cây này cũng có giá trị làm cảnh nhất định. Vì vậy, bạn có thể trồng cây sâm đất trong chậu để hái lá ăn và ngắm hoa.
Cách trồng và chăm sóc cây sâm đất
Loại cây này có sức sống mạnh mẽ, đặc biệt dễ trồng và dễ chăm sóc. Bạn có thể trồng bằng hạt hoặc giâm cành đều được.
Với cách trồng từ hạt, hãy lấy hạt giống ngâm với nước ấm (2 sôi 3 lạnh) trong 6 - 8 tiếng. Vớt ra để ráo, sau đó dùng que nhọn chọc lỗ trên đất sao cho lỗ sâu khoảng 1cm, cho 2-3 hạt vào 1 lỗ rồi lấp đất lại.
Nếu trồng bằng phương pháp giâm cành, bạn hãy chọn cành bánh tẻ từ thân cây mẹ. Cắt những cành dài khoảng 10 – 20 cm, sao cho cành hom có khoảng 3-4 mắt lá. Tỉa bớt lá rồi đem cắm cành vào đất. Tưới ẩm thường xuyên, sau khoảng 10 – 15 ngày cành sẽ bén rễ.
Cây sâm đất không có yêu cầu cao về đất, tuy nhiên để cây phát triển tốt thì có thể trộn đất theo tỷ lệ 80% đất thịt + 10% tro trấu hoặc rơm mục + 10% phân chuồng hoai mục.
Cây sâm đất ưa ẩm, vì vậy nên thường xuyên giữ ẩm cho đất, đặc biệt là vào mùa nắng nóng.
Khi cây dài khoảng 20 – 30 cm là bạn có thể cắt lấy rau ăn. Sau mỗi lần thu hoạch, có thể bón thêm phân chuồng hoai mục hoặc phân trùn quế để cung cấp thêm chất dinh dưỡng, kích thích cây sớm ra lá mới.
Tuy là cây lâu năm nhưng cây sâm đất càng già càng cỗi, bạn nên thay thế và trồng mới hàng năm.
Nguồn: