Phong lan nổi bật với vẻ đẹp kỳ lạ và hoang dã, nó có hơn 30.000 loài trong tự nhiên và trở thành họ thực vật lớn nhất trên thế giới. Đa số các loại hoa lan chỉ có tác dụng làm cảnh, nhưng với loại hoa lan này lại khác, nó vừa có thể dùng để trang trí nhà cửa vừa là loại thảo dược quý của phương Đông được y học công nhận.
Đó chính là lan gấm, hay còn gọi là lan kim tuyến, cây kim cương,… thường sống ở nơi ẩm ướt, mọc rải rác trong rừng sâu. Mặt trên của lá có màu tím nhung, lá dày nhưng rất mềm mượt, óng ánh như kim tuyến, gân lá hiện rõ, mặt dưới của lá phớt hồng, thân chia thành từng đốt. Loại cây này hiếm khi mọc ở rìa rừng, chủ yếu chỉ có trong những mạn rừng sâu và cao.
Mặc dù có giá thành cao nhưng lan gấm vẫn được nhiều người ưa chuộng, không chỉ vì nó có hoa đẹp mà còn vì những tác dụng quý cây mang lại cho sức khỏe. Thậm chí, loại hoa lan này còn được mệnh danh là “vua thảo dược” với hàng loạt công dụng như phòng ngừa và điều trị ung thư, hỗ trợ và điều trị bệnh tiểu đường, các bệnh về gan, bệnh về phổi. Theo sách cổ Đông y Đài Loan lưu lại, lan gấm còn có tác dụng bồi bổ khí huyết, giải nhiệt, giúp ăn ngon ngủ tốt, hạ sốt, giải tỏa căng thẳng, chữa kém ăn,…
Cách trồng cây lan gấm
Để trồng lan gấm tại nhà, trước tiên bạn cần phải chuẩn bị giá thể và giống. Về giá thể, bạn hãy lấy xơ dừa phơi khô ngâm trong nước vôi loãng để khử trùng, khử khuẩn. Sau 6 tiếng, hãy vớt xơ dừa ra rồi để ráo, dùng dao hoặc máy băm nhỏ xơ dừa ra.
Tiếp theo, bạn hãy lấy rễ dương xỉ khô đêm xé nhỏ, ngâm trong nước sạch khoảng 1 tiếng. Dớn vụn cũng ngâm trong nước sạch cho đến khi ngấm no nước.
Lấy các thành phần vừa xử lý trộn với nhau theo tỷ lệ 3 đất: 1 rễ cây dương xỉ: 2 dớn vụn: 2 xơ dừa: 3 phân chuồng ủ mục đem ủ với nước trong 1 tuần.
Về cây giống, trước khi trồng bạn nên ngâm cây con trong chế phẩm kích thích mọc rễ, thuốc trừ nấm như thuốc tím, daconil hoặc benlat,… để giúp lan phát triển và sinh trưởng thuận lợi hơn cũng như để phòng trừ sâu bệnh. Lưu ý, nên chọn những cây giống khỏe, có bộ rễ và mầm non, lá chồi phát triển tốt, không bị sâu bệnh tấn công.
Bạn hãy trồng thành từng cụm một vào giá thể, mỗi cụm khoảng 5 cây, các cụm cách nhau khoảng 0,5-1m. Lưu ý, rễ cây phải chìm hẳn trong giá thể, sau đó dùng tay nén chặt đất dưới gốc để cố định cây đứng thẳng. Trong 6-8 tuần đầu, dùng túi nilon hoặc vải lưới bọc kín giá thể lại, sau đó có thể bỏ túi nilon ra.
Cách chăm sóc cây lan gấm
- Tưới nước:
Cây lan gấm ưa độ ẩm cao, bạn nên tưới 2 lần/ngày. Khi mưa độ ẩm tăng cao, chỉ nên tưới 1 lần/ngày. Lưu ý, nên tưới phun sương theo dạng dàn phun sương hoặc bình phun sương. Tuy là loại cây ưa ẩm nhưng bạn cũng không nên tưới quá nhiều nước để tránh tình trạng cây thối rễ.
- Bón phân:
Tùy theo độ tuổi của lan mà tiến hành bón các loại phân với liều lượng khác nhau. Trong 3 tháng đầu, chủ yếu bón phân đạm pha loãng cho cây 1 lần/tuần, ngoài ra bạn có thể cung cấp thêm phân lân hoặc phân urê.
Khi lan được khoảng 4 – 10 tháng, bón đầy đủ các loại phân hữu cơ như NPK, phân lân, phân Kali. Khi lan được 1 năm tuổi và đang chuẩn bị ra hoa, hãy bón phân theo công thức 3 NPK (16:16:8), 3 Kali, 3 KCL, 1 phân chuồng ủ mục bón xung quanh phần gốc của lan.
- Cắt tỉa:
Cắt tỉa sẽ giúp cây lan gấm nhanh lớn, kích thích ra lá xum xuê hơn. Bạn nên cắt tỉa cho cây vào mùa hè, cắt ngang thân, để lại khoảng 10 – 14 cm thân kể từ vị trí phân nhánh đầu tiên từ gốc cây. Sau khi cây ra hoa, hãy tiếp tục cắt tỉa hoặc loại bỏ các lá tàn, già hay héo úa.
- Phòng trừ sâu bệnh:
Cây lan gấm thường mắc bệnh rệp và nấm. Khi thấy xuất hiện tình trạng này, bạn cần phun thuốc diệt trừ sớm, đồng thời thug om, hủy lá và thân cây bị hư hỏng, cách ly hoặc loại bỏ một số bụi cây bị nhiễm bệnh nghiêm trọng để tránh lan sang các cá thể khác.