Trước đây người Việt chỉ trung thành với các loại rau quen thuộc như rau ngót, rau muống, rau cải,… Nhưng vài năm gần đây, có một loại rau nguồn gốc từ châu Âu đã khiến các chị em mê mệt ngay từ khi vừa xuất hiện. Đó chính là măng tây.
Măng tây được chia làm 3 loại dựa theo màu sắc là măng tây xanh, trắng và tím. Sở dĩ loại rau này được nhiều người ưa thích thì nó có vị thơm, cắn vào có cảm giác giòn, ngọt, và hàm lượng giá trị dinh dưỡng cao. Măng tây có tính chất lợi tiểu, có khả năng giải độc cơ thể, chống lão hóa, thậm chí là có đặc tính chống ung thư.
Đây là loại rau cao cấp, được mệnh danh là “rau hoàng đế” và có giá thành không hề rẻ. Thông thường giá măng tây loại 1 dao động từ 130.000 – 150.000 nghìn đồng/kg, giá loại 2, loại 3 thì rẻ hơn.
Cách trồng măng tây khá đơn giản, điều đáng nói hơn cả là loại rau này trồng một lần có thể cho thu hoạch suốt 30 năm nếu được chăm sóc đúng cách. Nó cũng không cần trồng trong sân vườn, bạn hoàn toàn có thể trồng trong chậu hoa, thùng xốp nên không tốn nhiều diện tích.
1. Cách trồng măng tây đơn giản tại nhà
- Trồng măng tây bằng hạt
Với cách này, bạn hãy thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Ngâm hạt giống với nước ấm (2 sôi : 3 lạnh) trong khoảng 12 tiếng. Vớt ra để ráo rồi ủ trong khăn 9-12 ngày để hạt nứt nanh.
Bước 2: Ươm hạt giống vào bầu đất hoặc trồng trực tiếp vào chậu/thùng xốp/vườn. Đất trồng nên trộn thêm tro trấu, phân chuồng để tăng độ thoáng khí, đủ chất dinh dưỡng ban đầu.
Bước 3: Tưới nước ấm 2 lần/ngày bằng bình phun sương để kích thích hạt nảy mầm. Ngoài ra, nên dùng giàn che để hạn chế tác động của mưa nắng. Sau 1 tuần, hạt sẽ nảy mầm.
- Cách trồng măng tây bằng cây
Cách trồng này sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức hơn, tỷ lệ cây sống cũng cao hơn so với việc trồng măng tây bằng hạt. Cách làm như sau:
Bước 1: Trước khi trồng măng tây 1 tháng, bạn cần dọn sạch cỏ, phun thuốc diệt trừ sâu bệnh. Trước khi trồng khoảng 10-15 ngày, nên rắc vôi bột để khử trùng đất, bón lót phân vi sinh hoặc phân chuồng hoai mục.
Bước 2: Khi trồng cây bạn nên nhớ đào hố sâu khoảng 20-30cm để thân cây có thể bén rễ. Mỗi cây nên cách nhau 40-50cm để cây có đủ không gian phát triển.
Bước 3: Sau khi trồng cây 15-20 ngày, nên pha hợp chất NPK 15-15-15 với nước để bón thúc cho cây.
Lưu ý, khoảng 4-5 tháng sau khi trồng, nên tỉa bỏ những cây già, còi cọc, chỉ giữ lại 4-6 cây mẹ khoẻ mạnh để kích thích cây mọc ra nhiều nhánh hơn.
2. Cách chăm sóc măng tây
- Ánh sáng: Măng tây ưa nắng nên khi trồng cần để cây tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nếu thiếu nắng và ánh sáng, cây sẽ phát triển chậm, còi cọc.
- Tưới nước: Vào mùa nắng, nên tưới nước thường xuyên, đồng thời phủ thêm rơm rạ, tro trấu hoặc xơ dừa để giữ ẩm, tránh làm khô đất. Không nên tưới sau 5 giờ chiều để tránh làm hư mầm măng mới nhú. Mùa mưa nên kiểm tra rãnh thoát nước thường xuyên, tránh để cây úng nước, thối rễ.
- Phân bón: Cách 10-15 ngày nên bón thúc cho măng tây bằng phân NPK với tỷ lệ 16-16-8 và kết hợp với các loại phân bón vi sinh khác. Trước thời điểm thu hoạch khoảng 15 ngày thì nên dừng bón phân.
- Phòng trừ sâu bệnh: Măng tây có thể bị sâu xanh, sâu đất, rệp, bọ trĩ, nấm gây thối rễ tấn công. Để ngăn ngừa sâu bệnh hại, bạn nên thường xuyên dọn cỏ, tỉa bỏ lá hư, lá già cho cây.
Lưu ý, những năm đầu tiên sau khi trồng măng tây cho sản lượng thấp. Tới năm thứ 4, sản lượng và chất lựng của măng tây sẽ tăng đáng kể.
Nguồn: