Khi nhắc tới Nhật Bản, chúng ta có tới hàng tá những điều hấp dẫn để kể, từ cá tươi đến trò trượt tuyết hoành tráng – đó là đất nước mà ai cũng muốn ghé thăm một lần. Tuy nhiên, một trong những điều hấp dẫn nhất của hòn đảo này chính là kiến trúc.
Kiến trúc của ngôi nhà truyền thống Nhật Bản
Giống như con người và văn hóa, kiến trúc của Nhật Bản cũng mang những nét khác biệt, nhất là kiến trúc trong những ngôi nhà truyền thống của quốc gia này. Nhà Nhật Bản có thể đơn giản nhưng không thể thiếu chính xác; mỗi yếu tố được thiết kế để tạo nên sự bền vững và tối giản cho ngôi nhà.
Sàn nhà trong ngôi nhà Nhật truyền thống thường được nâng lên cao để chống ẩm, đồng thời giữ cho ngôi nhà đông ấm hè mát. Nhưng sự thật thú vị về sàn nhà Nhật Bản không chỉ dừng lại ở đó: bạn có biết rằng nhà bếp và hành lang truyền thống được lát bằng sàn gỗ trong khi phòng khách lại được lát bằng tatami (là rơm được ép thành lớp dày, bề mặt được phủ một lớp cói). Tại sao là tatami? Tất cả vì sự thoải mái. Người Nhật có thói quen ngồi trực tiếp xuống sàn chứ không ngồi trên ghế, do vậy, họ muốn sử dụng loại vật liệu vừa bền vừa mang lại cảm giác mềm mại khi ngồi.
Khung nhà Nhật Bản truyền thống thường làm bằng gỗ với mục đích là để hỗ trợ các mái nhà lớn và mái hiên sâu – hai yếu tố bảo vệ căn nhà khỏi những tia nắng mặt trời nóng rát vào mùa hè. Ban đầu, khung nhà được thiết kế với dầm ngang và cột dọc nhưng hiện tại, nhờ tiến bộ của khoa học kỹ thuật mà người Nhật còn sử dụng cả nẹp chéo.
Hiện nay, các bức tường được làm chủ yếu bằng gỗ dán nhưng trước đây, chúng được làm bằng tre đan trát đất hai bên. Ngoài ra, các phòng trong ngôi nhà truyền thống của Nhật thường sử dụng cửa trượt (làm bằng gỗ và giấy) để ngăn cách và có thể dỡ bỏ một cách dễ dàng khi cần nhiều không gian hơn. Chỉ có khu vực nhà bếp và phòng tắm là được thiết kế tường vững chắc.
Mái nhà kiểu Nhật có đủ hình dạng và kích cỡ nhưng tất cả đều có một điểm chung: mái nhà nghiêng dốc để nước mưa dễ dàng thoát ra. Ngày xưa, mái nhà chủ yếu được lợp bằng rơm nhưng cho tới giờ, vật liệu chủ yếu được sử dụng để lợp mái là gạch ngói nhằm tránh cháy nổ.
Gần giống người Việt Nam, tiền sảnh là nơi không thể thiếu trong ngôi nhà Nhật Bản. Đây là mà mọi người sẽ bỏ giày dép đi ngoài đường ra và xỏ vào chiếc dép đi trong nhà. Đối với người Nhật, tiền sảnh sẽ giữ cho bụi bẩn ngoài đường phố không vương vào trong nhà.
Trải qua một thời gian dài phát triển, kiến trúc trong ngôi nhà Nhật Bản đã dần thay đổi.
Những ngôi nhà Nhật Bản hiện đại sử dụng kết cấu thép và bê tông đối lập hoàn toàn với phong cách truyền thống. Nhà không còn được làm bằng gỗ do vật liệu này dễ bắt lửa khi xảy ra động đất hoặc cháy nổ. Do vậy, kết cấu thép được sử dụng thay thế.
Mặc dù để đảm bảo an toàn là vậy nhưng người Nhật vốn rất yêu thiên nhiên nên gỗ vẫn được lựa chọn làm đồ nội thất trong nhà – vật liệu này cho họ cảm giác gần gũi với thế giới tự nhiên hơn. Đồng thời, nhà của người Nhật thường phải có vườn, kết hợp hài hòa giữa nội thất và ngoại thất.
Đặc biệt, để chống lại thiên tai, các kiến trúc sư Nhật Bản dẫn đầu thế giới về việc thiết kế những ngôi nhà có móng sâu trên nền đất phẳng để có thể chống chịu được những cơn động đất.
Ngoài ra, nội thất bên trong nhà Nhật Bản thường rất tối giản. Tại sao vậy? Nhật Bản là quốc gia thường xuyên phải chịu những thảm họa thiên tai nên người dân không muốn sắm sửa và thiết kế cầu kỳ cho căn nhà khi biết rằng có thể mọi thứ sẽ bị phá hủy sau một cơn động đất hay sóng thần.
Thực tế, người Nhật không chỉ chuyên nghiệp về kết cấu mà còn đa dạng về thiết kế với những ngôi nhà độc, lạ và bắt mắt.
Bất kỳ một công trình nào, dù là ngân hàng, trường học hay sân chơi, v.v... đều có thể trở thành tuyệt tác dưới bàn tay thiết kế của người Nhật.