Làm vườn tuy tốn nhiều thời gian và công sức chăm bón, nhưng mỗi khi được thu hoạch rau xanh, quả ngọt do chính tay mình vun trồng chắc hẳn ai cũng lâng lâng hạnh phúc.
Trong các hội nhóm làm vườn, có lẽ chị Hạnh Vân (34 tuổi, sống ở Cẩm Lệ, Đà Nẵng) không còn là cái tên xa lạ nữa, bởi chị thường xuyên chia sẻ vườn rau trên nóc nhà, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của mình về việc làm vườn.
Mặc dù dỡ nóc nhà ra để trồng rau, khí hậu miền Trung nắng nóng, nhiều mưa bão nhưng mẹ đảm đã chinh phục được nhiều loại rau, cây ăn quả khác nhau, điển hình là dưa lê hoàng kim. Sau 70 ngày gieo trồng, giàn dưa lê hoàng kim của chị Hạnh Vân đã cho thu hoạch với quả to tròn, lớp vỏ bên ngoài vàng tươi đẹp mắt, ăn giòn và ngọt.
Vợ chồng chị Hạnh Vân thu hoạch dưa lê hoàng kim trên sân thượng.
Mẹ đảm chia sẻ kinh nghiệm trồng dưa lê hoàng kim trên sân thượng cực chi tiết
Khâu đầu tiên: Gieo hạt
- Ngâm hạt giống với nước ấm (tỷ lệ 2 sôi, 3 lạnh) từ 4 - 6 tiếng, dùng bông tẩy trang bọc kín hạt lại để ủ hạt. Sau 1 ngày hạt sẽ nứt nanh.
- Khi hạt đã nứt nanh, cho vào bầu ươm và để ở chỗ râm mát, tưới nước giữ ẩm cho hạt.
- Đất ươm hạt nên dùng đất trộn phân trùn quế (30%) để có đủ dinh dưỡng cho cây con khoẻ mạnh. Sau khoảng 4-5 ngày, cây sẽ cho 2 lá mầm.
Hạt giống được ủ bằng bông tẩy trang.
Cây ươm ở vỉ nhỏ.
Khâu thứ 2: Trộn đất
Đất trồng đóng vai trò rất quan trọng trong việc trồng rau nói chung và trồng dưa lê hoàng kim nói riêng. Cây phát triển tốt hay không, cho quả to và ngọt hay không phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn này.
Nói là trộn đất nhưng khi trồng dưa lê hoàng kim, giá thể của chị Hạnh Vân lại không bao gồm đất. Thay vào đó, chị dùng xơ dừa, vỏ đậu xay, trấu hun, 2 nắm tay vỏ trứng gà, phân trùn quế và phân gà. Tỷ lệ trộn giá thể như sau: 50% xơ dừa ủ hoai, 20% vỏ đậu/trấu hun, 30% trùn quế/phân gà ủ hoai, 1 nắm tay nấm đối kháng trichoderma.
“Tất cả các nguyên liệu đều phải qua xử lý, nếu xơ dừa không xử lý thì nó sẽ bị chát, khi trồng sẽ bị vàng cây. Sau khi trộn đều tất cả các nguyên liệu lên, tôi cho thêm 1 nắm nấm đối kháng trichoderma”, chị Hạnh Vân chia sẻ.
Giá thể trồng dưa lê hoàng kim chị Hạnh Vân trộn.
Khâu thứ 3: Chăm sóc
Khi cây được 4-5 lá thật, tiến hành bấm ngọn chính, từ nách lá thứ 10 thì bắt đầu để nhánh phụ. Khi bấm ngọn, tỉa nhánh, nên ủ các nhánh này lại cho gốc. “Làm vườn ở sân thượng, cây ít đất nên tôi bắt buộc phải làm công đoạn này để cây đủ sức nuôi quả và nuôi thân”, chị Hạnh Vân chia sẻ.
Khi cây ra hoa, hãy để hoa cái từ nách lá thứ 10 đến lá thứ 15. Hoa cái sẽ có phôi ở dưới còn hoa đực thì không có.
Vì trồng trong nhà lưới nên mẹ đảm phải tự thụ phấn cho dưa lê hoàng kim. Chị ngắt các cánh hoa của hoa đực, để lại nhụy hoa (nhớ ngắt nhẹ nhàng tránh để rơi phấn) rồi chấm nhụy hoa đực vào nhụy hoa cái, sao cho nhiều hạt phấn rơi vào đầu nhuỵ của hoa cái nhất. Khi cây ra quả, mỗi cây nên chọn một quả to đẹp để lại, còn lại thì cắt bỏ hết.
Chị Hạnh Vân tự thụ phấn cho hoa bằng tay.
Mỗi cây chỉ để lại một quả, còn lại nên cắt bỏ hết.
Quả to dần đồng nghĩa với trọng lượng tăng dần. Lúc này phải dùng dây treo quả cho chắc chắn vào giàn, tránh tình trạng quả quá nặng làm đứt thân cây. Trước khi thu hoạch 3-5 ngày, nên ngừng tưới nước để quả có vị giòn, ngọt hơn.
Dưa lê hoàng kim nhà chị Hạnh Vân sau 50 ngày sau khi ươm.
Vườn dưa lê hoàng kim khi "về đích".
Tự ủ phân bón cho dưa lê hoàng kim, bí quyết giúp dưa có vị ngọt điểm 10
Chị Hạnh Vân làm vườn theo hướng hữu cơ nên chị thường tận dụng rác thải nhà bếp như vỏ rau củ, vỏ tôm, xương cá, trứng, sữa để làm phân bón cho cây. “Từ khi ủ rác nhà bếp, lượng rác thải nhà tôi giảm đi rất nhiều, vì hầu như đồ bỏ đi hằng ngày chính là rác nhà bếp”, mẹ đảm nói.
Ngoài ra, chị còn tự ủ thêm đạm cá, dịch chuối trứng sữa, phân dơi,… để bón cho cây.
Về phân dơi, chị hòa 1kg phân dơi với 5 lít nước, ngâm ủ qua đêm. Sau đó, dùng phân này pha loãng với nước theo tỷ lệ 1:50 rồi tưới cho cây hàng ngày. Loại phân này có thể sử dụng cho hầu hết các loại cây trồng như rau củ, cây ăn quả, thảo mộc, cây cảnh hoặc các loại hoa như hoa lan, hoa hồng,…
Đây là phân dơi ngâm 1kg với 5 lít nước.
Phân dơi sau khi ngâm thì pha loãng với nước theo tỉ lệ 1:50 để tưới cho dưa lê hoàng kim.
Về phân đạm cá, chị sử dụng các phế phẩm từ cá tươi như đầu cá, vi cá, ruột cá, mang cá… (ưu tiên cá nước ngọt). Sau khi mang về nhà, đem đi rửa sạch.
Cắt cam, dứa thành những miếng nhỏ để cung cấp thêm enzyme hỗ trợ cắt protein giúp cá phân hủy nhanh hơn. Sau đó cho tất cả nguyên liệu đã chuẩn bị vào thùng, cho thêm 1 chai mật rỉ đường, 1 gói trichoderma giúp tăng tốc độ phân hủy, vừa giúp khử mùi hôi, 1 gói EMUNIV giúp quá trình ủ diễn ra nhanh hơn.
Nguyên liệu làm phân đạm cá.
Đổ thêm nước đã xả sạch clo vào thùng, đảo đều tất cả nguyên liệu rồi đậy nắp kín, phủ 1 lớp màn che để hạn chế ánh sáng. Sau 1 tháng thì có thể sử dụng được rồi.
Pha đạm cá với nước theo tỷ lệ 50ml đạm cá với 10l nước. Dùng phân cá tưới gốc hoặc phun đều lên bề mặt lá giúp thúc đẩy quá trình ra hoa, đậu quả, giúp cây phát triển khỏe mạnh hơn. Với dưa lê hoàng kim, nên sử dụng đạm cá cho cây trong giai đoạn bón thúc, ra hoa và tạo trái.
Về dịch trứng chuối sữa, nguyên liệu gồm chuối (chín nẫu, thối hỏng), sữa bột hoặc sữa tươi hết hạn, trứng vỡ, mật rỉ đường, 1 gói EMUNIV, nước máy khử sạch clo.
Nguyên liệu làm dịch chuối trứng sữa.
Cách làm như sau:
- Cắt chuối thành những khoanh mỏng để đẩy nhanh quá trình phân huỷ của chuối. Tiếp tục cho sữa, trứng, mật rỉ đường, 1 gói EMUNIV vào để quá trình lên men diễn ra nhanh hơn và hạn chế mùi hôi.
- Trộn đều tất cả nguyên liệu. Lưu ý, thùng để ủ phân phải được cọ rửa sạch sẽ trước khi sử dụng.
- Khi ủ phân phải đậy kín để tránh ruồi muỗi bám vào, đẻ trứng gây ra giòi trong phân. Lượng hỗn dịch cách mép thùng tối thiểu 10cm để tránh tình trạng dịch bị tràn ra ngoài trong quá trình phân hủy.
- Sau 1 ngày ủ, mở nhẹ nắp thùng để thoát bớt khí rồi đóng lại. Sau 2 tuần, dịch chuối trứng sữa sẽ lên men thành công. Lúc này hãy lọc lấy nước, bỏ cặn là sử dụng được rồi.
Pha dịch chuối trứng sữa với nước theo tỷ lệ 1:100. Trước khi thu hoạch, cách 15 – 20 ngày tưới cho cây 1 lần để tăng độ ngọt cho quả.
Sau 70 ngày kể từ khi gieo hạt, vỏ quả dưa lê chuyển sang màu vàng đặc trưng thì lúc này chính là thời kỳ thích hợp để thu hoạch. Khi thu hoạch, nên cắt xa cuống, sau đó để dưa lê hoàng kim ở bên ngoài nhiệt độ phòng khoảng 1-2 ngày rồi mới cất tủ lạnh để dưa xuống nước, tăng hương vị ngọt và giòn hơn.
“Rau quả sạch nhà tự trồng nên tôi rất yên tâm dùng. Tuy công việc khá bận nhưng tôi vẫn dành nhiều thời gian để chăm vườn, chủ yếu là vào sáng sớm và chiều tối. Tuy có hơi vất vả nhưng đam mê với làm vườn, mong muốn có một nguồn rau, quả sạch cho gia đình cộng với sở thích thích nấu ăn nên tôi rất tâm huyết duy trì vườn rau sạch”, chị Hạnh Vân chia sẻ.