Vợ chồng tôi sống chung với mẹ, vì bố tôi đã qua đời từ lâu, chị gái thì đi lấy chồng rồi. Mẹ chồng nàng dâu sống với nhau đến nay cũng ngót nghét 4 năm rồi, chẳng mấy khi xảy ra xích mích gì to tát nhưng không ngờ chỉ vì vườn rau trên sân thượng mà hai mẹ con lại cãi nhau to đến mức vợ tôi om con về nhà mẹ đẻ.
Chẳng là gần đây con trai tôi đã đến tuổi đi lớp nên hai vợ chồng gửi con đi nhà trẻ. Vì cả hai vợ chồng đều làm giờ hành chính nên việc đưa đón con đều phải nhờ bà nội giúp đỡ. Thời gian trước khi cháu ở nhà, hai bà cháu còn tíu tít bên nhau cả ngày, giờ cháu đi học rồi một mình mẹ tôi ở nhà quanh ra quẩn vào cũng chán nên bà nảy ra ý định tận dụng khoảng sân thượng để trồng rau trong thùng xốp.
Tôi ủng hộ mẹ nhiệt tình, nhưng vợ tôi thì hơi băn khoăn. Tối hôm đấy khi hai vợ chồng vào phòng, vợ bắt đầu càm ràm:
- Rau ngoài chợ thiếu gì đâu, cầm tiền ra chợ thứ gì cũng có tha hồ lựa chọn. Chỉ sợ mẹ mải làm rau lại đón cháu muộn, hoặc cơm nước chẳng nấu được đến lúc ấy lại khổ em.
Hóa ra vợ lo sợ điều này, tôi thuyết phục mãi vợ mới xuôi xuôi. Khi mẹ bắt tay vào trồng rau, vợ tôi đúng là hay phải làm việc nhà hơn thật, không còn thảnh thơi như trước. Nhưng điều khiến vợ tôi hay cáu kỉnh, than vãn với tôi nhất chính là để trồng được rau, mẹ tôi toàn đi xin phân gà ở đâu về để ủ đất, rồi tận dụng vỏ trái cây, bã trà, nước vo gạo, cọng rau già,… để ủ lên men làm phân hữu cơ, tưới cho rau.
Vì rảnh rỗi nên mẹ tôi đã trồng rau trên sân thượng.
Hôm nào mở cửa sổ hoặc có gió thì mùi bay vào nhà rất khó chịu. Vợ tôi được cớ nói bóng nói gió, mẹ tôi ban đầu còn thuyết phục con dâu chỉ vài ba hôm sẽ hết mùi, nhưng đến lần 3, lần 4 thì bà mặc kệ, không buồn phân bua nữa mà chỉ im lặng.
Dưới bàn tay chăm sóc của mẹ, rau lớn rất nhanh và xanh tốt. Được lứa rau đầu tiên, mẹ gọi chị gái tôi qua lấy một ít về ăn. Thấy chị gái mặt hồ hởi, túi lớn túi nhỏ xách rau về, vợ tôi càng bực bội, không kìm được mà trách móc:
- Chị thì sướng rồi, không phải chịu mùi hôi thối mùi phân bón mẹ ủ, chỉ tới khi rau xanh tốt thì tới hái về ăn. Từ ngày mẹ làm rau, con không dám đưa ai về nhà chơi, nhìn nhà mình cứ bẩn bẩn ấy. Mà mẹ trồng rau bón lân bón đạm là được rồi, tại sao cứ dùng mấy thứ bốc mùi này vậy, ai mà chịu được? Nói chung thời gian qua con khá bực mình, con không muốn con trai con phải sống ở nơi ô nhiễm thế này, con sẽ đưa cháu về bên ngoại một thời gian.
Nói xong, vợ tôi đứng bật dậy lên soạn đồ rồi ôm con rời đi dù lúc đó trời đã tối. Tôi thuyết phục thế nào cô ấy cũng không chịu ở lại. Vì chuyện này mẹ tôi rất buồn, tôi cũng không hiểu nổi tại sao chỉ vì một chuyện cỏn con mà vợ lại hành xử như thế.
Thiết nghĩ mọi chuyện cũng là do mùi hôi từ phân hữu cơ mẹ ủ mà ra, có lẽ khắc phục được vấn đề này vợ sẽ không còn càm ràm chuyện mẹ tôi trồng rau nữa, vậy thì ai cũng vui. Nhưng tôi không biết làm thế nào để khử mùi hôi khi ủ phân, xin hãy chỉ cách giúp tôi.
Vì vườn rau trên sân thượng mà mẹ chồng nàng dâu cãi nhau, vợ tôi om con về nhà đẻ. (Ảnh minh họa)
Cách ủ rác thải nhà bếp trồng rau không bị mùi hôi
Rác thải nhà bếp chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cho cây như kali, đạm, chất xơ,.. giúp cây phát triển rất tốt mà lại an toàn, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên trong quá trình ủ, chúng sẽ bốc mùi hôi thối gây ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày. Nhưng nếu biết những mẹo dưới đây thì mùi hôi sẽ biến mất.
- Dùng thùng ủ có nắp đậy, dưới đáy phải khoan lỗ
Có nắp đậy là để tránh nước mưa rơi vào cũng như tránh mùi hôi bốc ra trong quá trình ủ. Trong quá trình phân hủy, rác thải hữu cơ thường chảy nước, nếu để trong thùng thì nó sẽ bốc ra mùi khó chịu khi mở nắp, vì vậy dưới đáy cần khoan lỗ để đảm bảo thoát nước tốt.
Nếu ủ phân ngoài vườn, bạn hãy chôn thùng ủ phân xuống đất để nước từ thùng ủ sẽ tự ngấm ra ngoài, đồng thời giun đất và các vi khuẩn có lợi sẽ vào được trong phân ủ, hỗ trợ quá trình ủ phân diễn ra nhanh hơn.
Nếu ủ phân trên sân thượng, ban công hay nhà phố, hãy thiết kế một thùng ủ gồm 2 lớp. Lớp trên chứa các vật liệu ủ, lớp dưới đựng nước và có van hoặc vòi để nước thoát ra ngoài. Ngăn giữa 2 lớp là tấm lưới mắt nhỏ để nước chảy ra từ phân xuống đáy dễ dàng hơn. Phần nước chảy ra trong quá trình ủ phân cũng có thể dùng để bón cho cây trồng.
- Nguyên liệu ủ cần được xử lý đúng cách trước khi cho vào thùng ủ
Với lá rau, vỏ trái cây hay lá rụng,… bạn nên cắt nhỏ trước để tăng tốc độ phân hủy và lên men. Không nên cho thịt, cá, xương động vật, các chế phẩm từ sữa vào thùng ủ nếu không sẽ thu hút ruồi bọ và bốc ra mùi hôi.
Nguyên liệu cho vào thùng ủ nên được cắt nhỏ. (Ảnh minh họa)
- Thêm một số nguyên liệu khử mùi hôi vào thùng ủ
Khi ủ, bạn có thể cho thêm trùn quế, vỏ cam hoặc chế phẩm sinh học vào thùng ủ để khử mùi hôi của phân hữu cơ. Lưu ý, nếu dùng trùn quế xử lý rác, bạn tuyệt đối không bỏ vỏ cam, bưởi hoặc gia vị cay hay để môi trường quanh thùng ủ quá nóng, nếu không sẽ khiến trùn quế kém phát triển, thậm chí là chết, bỏ đi cả thùng phân ủ. Bên cạnh đó, bạn có thể mua một số chất xúc tác cho vào thùng ủ phân để tăng tốc độ phân hủy.
- Đảm bảo môi trường ủ phân hợp lý
Môi trường ủ phân cần được giữ ấm, thông thoáng, có nhiệt độ thích hợp để nguyên liệu ủ được phân hủy và lên men nhanh hơn.
- Để rác thải phân hủy hoàn toàn rồi mới sử dụng
Nếu rác thải chưa phân hủy hoàn toàn, nó sẽ bốc mùi hôi khó chịu, nhưng mùi này sẽ biến mất nếu rác đã phân hủy hoàn toàn. Thông thường, phân hữu cơ sẽ phân hủy hoàn toàn sau 1 năm, nếu nhiệt độ cao thì quá trình phân hủy có thể hoàn thành sau 5-6 tháng. Lưu ý, sau 1-2 tuần nên đảo phân một lần để phân tơi, thoát khí.