Mời các bạn cùng lắng nghe những giải pháp được kts Trần Anh Toàn - Công ty CP Kiến trúc Beta Việt chia sẻ.
KTS.Trần Anh Toàn
Xin chào KTS, xin anh cho biết nguyên nhân tường, trần của nhiều ngôi nhà bị thấm gây ẩm mốc vào mùa mưa?
Chào các bạn!
Nói đến hiện tượng tường nhà bị thấm gây ẩm mốc thì đây là một trong những điều đáng lưu ý của các KTS khi tiến hành thiết kế, không những gây mất mỹ quan cho ngôi nhà mà còn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt cho con người. Tôi xin liệt kê ra những nguyên nhân gây tường, trần nhà bị thấm:
- Thấm nước từ trên mái xuống: Nguyên nhân phần lớn ở các vị trí ống thoát nước sàn, hộp kỹ thuật, các góc tường, giáp lai tường nhà, rãnh nước trên sàn mái. Nước, hơi ẩm sẽ từ dưới qua các vết rạn nứt chân chim, nứt cổ trần, mao mạch rỗng của tường xuống bên dưới.
- Thấm nước từ sàn nhà vệ sinh: Cũng bắt nguồn chủ yếu từ vị trí ống thoát nước sàn, hộp kỹ thuật, chân tường rạn nứt. Ngoài ra, cũng có thể khi thi công, các nhà thầu thi công không đảm bảo nguyên tắc chống thấm (ví dụ như không có giằng chống thấm, lớp chát chống thấm không đảm bảo…)
- Thấm do nứt cổ trần: Thường các vết rạn cổ trần rất to nên nước mưa dễ dàng chảy vào, lâu ngày sẽ gây thấm tường trên diện rộng.
- Tường ngoài rạn nứt chân chim
- Do tắc, hoặc thủng đường ống nước.
- Một nguyên nhân chủ quan là do khi thiết kế không đảm bảo khoảng chênh cốt cao độ giữa nền nhà so với nền phòng vệ sinh, nền ban công.
Một trong những guyên nhân gây nên hiện tượng tường nhà bị thấm thậm chí bị rỉ nước có phải do không cẩn trọng ở khâu thiết kế và thi công không, thưa anh?
Khâu thiết kế luôn phải đặt lên hàng đầu để có được những công trình chất lượng, không những thẩm mỹ đẹp mà còn phải “thọ” theo thời gian. Hiện tượng tường hay trần nhà bị thấm một phần nào cũng từ công đoạn thiết kế có sai sót đặc biệt là ở sàn mái và phòng vệ sinh vì đây là hai khu vực thường xuyên tiếp xúc với nước. Các biện pháp chống thấm vì thế càng cần phải lưu ý hơn.
Thiết kế là vậy nhưng bên cạnh đó giai đoạn thi công cũng cần được giám sát chặt chẽ để đạt được chất lượng đúng như bản thiết kế. Thi công ẩu, không đúng với bản thiết kế thì việc rò rỉ nước, thấm dột trong công trình là điểu khó tránh khỏi.
KTS có thể chia sẻ những cách khắc phục hiện tượng tường, trần nhà bị thấm, dột?
Tôi xin chia sẻ những biện pháp khắc phục hiện tượng tường, trần nhà bị thấm để bạn đọc có thế hiểu rõ và phần nào cung cấp kiến thức về vấn đề này:
+ Kiểm tra toàn bộ đường ống nước, xem xét thật kỹ các vị trí.
+ Chống thấm mái, sân thượng với mục đích sử dụng bền lâu 40 - 50 năm tốt nhất sử dụng màng khò nóng chống thấm dày 3mm, dán vén lên chân tường 15-20 cm. Những vị trí của hộp kỹ thuật, ống thoát sàn có thể cán lớp vữa chống thấm hai thành phần. Hoàn thiện lại mặt bằng bằng vữa trát chống thấm.
+ Chống thấm sàn vệ sinh cũng tương tự với sàn sân thượng, lưu ý là cần vệ sinh thật sạch sẽ trước khi thi công.
+ Chống thấm giáp lai: Sử dụng màng chống thấm dán vén hai tường nhà, sau đó hoàn thiện bằng vữa chống thấm đàn hồi không rạn nứt.
+ Xử lý rạn nứt cổ trần: Đục rộng vết nứt từ 3-4 cm, vệ sinh sạch sẽ, quét lớp hồ dầu kết nối latex, sau đó trát bằng lớp vữa chống thấm hai thành phần. Đợi lớp vữa khô, lăn hai lượt sơn chống thấm đàn hồi CT-04, lượt trước cách lượt sau 30 phút.
+ Tường ngoài rạn nứt chân chim: Vệ sinh sạch sẽ, cạo sạch rêu mốc, bụi bẩn. Dùng rulo lăn hai lớp sơn chống thấm hệ trộn xi măng CT-03, cách 1 ngày sau lăn 02 lớp sơn chống thấm đàn hồi CT-04 chịu được tia cực tím, tránh cho việc tường sau này bị rạn nứt.
+ Ngoài ra có thể dùng vữa chống thấm dạng composite, đây là vật liệu mới có nhiều tính năng vượt trội, thường được sử dụng để chống thấm cho các loại bể chứa, làm đáy lót cho các sân vườn trên ban công hoặc trên mái.
Sau khi sử dụng các biện pháp trên đây, người sử dụng phải lưu ý những gì để hiện tượng đó không lặp lại?
+ Thường xuyên kiểm tra đường ống nước kỹ thuật để phát hiện rò rỉ và tìm cách khắc phục sớm nhất .
+ Định kì kiểm tra, vệ sinh ống thu hồi nước sàn mái cũng như sàn phòng vệ sinh, sê nô,…tránh gây ứ đọng nước. Những chỗ tiếp giữa tường, sàn, trần với các thiết bị kỹ thuật dẫn chứa nước cũng cần phải được chú ý vì đây là chỗ dễ rạn nứt và nước có thể qua các vết nứt gây thấm cho công trình.
Anh có thể đưa ra một số lời khuyên đối với những ngôi nhà chuẩn bị xây để tránh được hiện tượng thấm nước sau này?
Đầu tiên chủ đầu tư cần chú ý đến việc chọn vật liệu chống thấm dựa trên thiết kế KTS đã tư vấn. Sau nhiều năm gặp và xử lý nhiều trường hợp về chống thấm, tôi nhận thấy trước tiên là phải thiết kế đúng tiêu chuẩn chống thấm, các tiêu chuẩn về kết cấu (vì kết cấu không đảm bảo dẫn đến rạn nứt) và tư vấn chủ đầu tư sử dụng các vật liệu chống thấm tốt.
Sau đó chủ đầu tư cần chọn đội thi công có tay nghề, cũng như kinh nghiệm trong việc thi công chống thấm cho công trình tránh trường hợp sau này phải sửa chữa nhiều lần vừa ảnh hưởng đến công trình vừa không kinh tế.
Bản thân anh, khi thiết kế một công trình thường đưa ra những giải pháp tiên quyết gì để công trình không bị thấm hay dột vào mùa mưa bão?
Như bạn cũng biết, Việt Nam có khí hậu rất khắc nghiệt "nắng lắm mưa nhiều", việc thiết kế cũng phải phù hợp với khí hậu để hạn chế tối đa nhất những ảnh hưởng xấu cho công trình. Đối với tôi khi đặt tay thiết kế một công trình để tránh không bị thấm hay dột vào mùa mưa bão thì phần mái, sàn phòng vệ sinh, hệ thống thu hồi nước là những phần tôi đặc biệt lưu ý. Như tôi đã nói ở trên, đây là những khu vực thường tiếp xúc với nước, trong mùa mưa bão thì lượng nước cần thoát càng lớn và không có giải pháp khắc phục thì việc nước thấm vào công trình sẽ xảy ra.
Ở phần mái tùy vào loại công trình có thế là mái dốc hay mái bằng nhưng khi thiết kế thì độ dốc mái phải được tính toán cụ thể để lượng nước thoát nhanh nhất, về cấu tạo thì luôn có lớp chống thấm cho sàn mái hay là sàn phòng vệ sinh.
Tôi đưa ra những tư vấn trên để đội thi công, chủ đầu tư sử dụng các vật liệu và công nghệ chống thấm ở những vị trí đáng lưu ý trên và đạt hiệu quả tốt nhất.
Xin cảm ơn anh về những chia sẻ bổ ích. Chúc anh sức khỏe và thành công!