Cẩm tú cầu là loài hoa được rất nhiều người yêu hoa yêu thích và hiện đã là tháng 6 - thời điểm sinh trưởng mạnh mẽ của cây. Cẩm tú cầu rất phong phú về chủng loại, thường nở thành chùm và có giá trị làm cảnh cao.
Tuy nhiên, nhiều bạn chơi hoa cho biết, hoa cẩm tú cầu không dễ chăm sóc. Nếu không chăm bón cẩn thận, kỹ lưỡng thì không những không nở hoa mà cây còn dễ bị sâu bệnh, vàng lá. Thực ra, để hoa cẩm tú cầu nở hoa đẹp và có màu sắc tươi tắn, bạn chỉ cần nắm vững quy tắc "3 nên - 3 không" dưới đây là được.
"3 nên" khi chăm sóc hoa cẩm tú cầu
- Nên đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây
Hoa cẩm tú cầu sinh trưởng mạnh vào mùa hè, lúc này cây cần đầy đủ chất dinh dưỡng, bởi nếu không đủ dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sự ra hoa của cây. Do đó, bạn nên bón phân loãng thường xuyên, thường thì bón phân hỗn hợp mỗi tháng một lần. Trước đó, bạn cũng nên bón thêm một số loại phân hữu cơ, việc này rất hữu ích cho sự phân hóa của các nụ hoa.
- Nên đặt cây ở môi trường thoáng gió
Cẩm tú cầu ưa môi trường thoáng gió. Nhiều bạn chơi hoa cho biết, cẩm tú cầu họ chăm sóc thường bị sâu bệnh mà nguyên nhân chủ yếu là do thông gió kém. Vì vậy, nếu trồng cẩm tú cầu thì bạn nên trồng ngoài ban công hoặc mở cửa sổ thường xuyên để cây có thể tiếp xúc với không khí.
- Nên đảm bảo môi trường ẩm ướt
Cẩm tú cầu ưa môi trường ẩm ướt, lá rất mỏng, chịu hạn kém, trong khi đó mùa hè có nhiệt độ cao, bốc hơi tương đối nhanh nên việc duy trì đủ nước cho cây là rất quan trọng. Nếu không, lá của cẩm tú cầu rất dễ chuyển sang màu vàng.
Vì vậy, trong quá trình bảo dưỡng hoa cẩm tú cầu vào mùa hè, bạn nên tưới nước một lần vào buổi sáng và chiều tối, tránh tưới khi nhiệt độ cao vào buổi trưa, tránh đặt cây trong môi trường có nhiệt độ và độ ẩm cao để tránh hoa bị héo. Bạn cũng có thể tưới phun sương xung quanh cây để tăng độ ẩm không khí và giảm nhiệt độ, không nên tưới vào nụ hoa để tránh tình trạng kém thông gió và thối nụ hoa.
"3 không" khi chăm sóc hoa cẩm tú cầu
- Không bao giờ cắt tỉa
Những người yêu hoa thường sẽ miễn cưỡng cắt tỉa hoa cẩm tú cầu, vì việc trồng cho ra một chiếc lá cũng rất quý giá nên ai cũng tiếc khi phải cắt bỏ nó. Nhưng trên thực tế, điều này là việc bắt buộc phải làm.
Cẩm tú cầu có khả năng chịu bí kém nên khi lá vàng, cành xấu, hoa tàn,… cần được cắt tỉa nhanh chóng để cây giảm tiêu hao chất dinh dưỡng, tạo độ thông thoáng giữa cành và lá, giúp cây sinh trưởng mạnh. Nếu cứ chần chừ không cắt tỉa, lâu ngày cây sẽ gầy guộc, khẳng khiu, trông không đẹp, thậm chí còn ảnh hưởng đến việc ra hoa, thời kỳ sau cây sẽ ra hoa ít dần đi.
- Không để cây bị đọng nước
Như đã nói ở trên, cẩm tú cầu là loại cây ưa nước, nhưng cần lưu ý là chúng ta phải tưới nước thật kỹ, không được để đọng nước, tránh tình trạng cây bị đọng nước, thối rễ. Khi bón phân cho hoa cẩm tú cầu, chúng ta không nên chỉ bón phân cho ra hoa mà phải bón đủ phân hỗn hợp đạm, lân và kali, giúp ích cho quá trình sinh trưởng và ra hoa của hoa cẩm tú cầu.
- Không đặt cây dưới ánh nắng mạnh
Lá của cẩm tú cầu mỏng nên rất sợ ánh nắng mạnh, loại cây này ưa môi trường ít nắng, chỉ cần đủ ánh sáng để quang hợp là được. Khi có đủ chất dinh dưỡng và ánh sáng, lá cây sẽ có màu xanh ngọc và màu sắc tươi tắn. Nếu đặt cây dưới ánh nắng mạnh thì lá cây rất dễ bị cháy nắng, vậy nên bạn cần che chắn cho cây cẩn thận vào buổi trưa nắng gắt.
Nguồn: https://arttimes.vn/gia-dinh/muon-hoa-cam-tu-cau-no-dep-vao-thang-6-can-nho-quy-tac-3-n...Nguồn: https://arttimes.vn/gia-dinh/muon-hoa-cam-tu-cau-no-dep-vao-thang-6-can-nho-quy-tac-3-nen-3-khong-nay-c59a5694.html
Nhà - Vườn