Mọi người hay nói nhiều về những mục tiêu, kế hoạch và ngôi nhà năm 30 tuổi, nhưng không phải ai cũng làm được. Với chị Lương Thy Hương, ngoài tuổi 30 chị vẫn chưa cất được cho mình ngôi nhà, nhưng cũng kịp xây cho bố mẹ một ngôi nhà nho nhỏ. Ngôi nhà đó càng ý nghĩa hơn khi do chính ông xã chị tự tay đặt từng viên gạch mà thành.
Ngôi nhà do chính tay bố và chồng chị Hương xây nên.
Chị Hương cho biết, chị là người con của mảnh đất cà phê Buôn Mê Thuật, Đắk Lắk nhưng hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Vào mùa hè năm ngoái, cả gia đình chị đưa con về nhà ngoại chơi. Dự tính ban đầu sẽ về 1 tháng, nhưng về được 1 tuần thì tình hình dịch bệnh tại Hà Nội diễn biến phức tạp, cộng thêm sau đó chị sinh con nên thành ra chuyến đi chơi từ 1 tháng đã kéo dài thành 1 năm. Nhân dịp này, chàng rể quý đã đập đi xây lại căn nhà mới khang trang hơn cho bố mẹ vợ.
Dù chưa từng xây nhà bao giờ nhưng chồng chị Hương đã tự tay xay nhà cho bố vợ. Bố chị trộn hồ, chồng chị xây, cứ thế túc tắc làm.
Chị kể: “Trong 1 lần ngồi nhỏ to tâm sự, mẹ mình bảo ‘bố cứ mong con rể về để cùng bố sửa nhà, chứ mái nhà dột quá rồi, lại chuẩn bị vào mùa mưa, không sửa mấy hôm nữa các cháu nằm ngủ có khi ướt hết. Bố có 4 triệu thay mái đủ không con?’
Mình không nói gì nhưng sau đó kể lại chuyện này với chồng. Trong bữa cơm chồng nói với bố mẹ: ‘Con nghe vợ nói bố có nguyện vọng sửa nhà nên nay vợ chồng con xin phép sửa cho ông bà, nhưng ông bà đồng ý thì vợ chồng con mới dám làm’. Ông bà ta có câu ‘một năm làm nhà 2 năm chuẩn bị’. Người ta làm nhà là dự trù, kế hoạch đủ thứ còn nhà mình thì bắt đầu từ đó”.
Suốt mấy tháng trời, bố vợ cứ trộn hồ còn con rể xây. Hai bố con cứ túc tắc làm, phần là tiết kiệm được nhiều nhân công, tiền thuê thợ để sắm thêm nội thất cho bố mẹ; phần là sợ dịch bệnh phức tạp, nhỡ may lây bệnh cho các thành viên trong nhà. Chỉ có lúc động thổ xây nhà vào tháng 10 và dịp gần Tết năm 2022, nhà chị mới thuê thêm nhân công về làm để kịp đổ mái, có chỗ thờ cúng ông bà tổ tiên.
Đáng nói, chồng chị Hương là nhân viên văn phòng, trước nay chưa từng cầm bay, cầm viên gạch xây nhà nhưng bây giờ lại “rẽ ngang” sang ngành xây dựng, cất hẳn nhà cho bố mẹ vợ. Anh tự tay xây từng viên gạch, xách nước, trộn hồ, đào đất, quét vôi, kiêm thợ kính, thợ hàn, kiêm chủ thầu, chủ xây dựng.
Từ chọn gạch màu gì, sơn màu gì, bóng điện ra làm sao, trần như thế nào, cửa kính làm ra sao, đều do một mình chồng chị lên ý tưởng và thực hiện. Cái gì không biết thì anh lên mạng, mày mò tự học lấy.
Dự tính ngôi nhà sẽ xây xong trước khi chị sinh con, nhưng tới ngày chị “lót ổ” căn nhà vẫn chưa hoàn thiện. Vì vậy, nhiều lúc nhìn đống nguyên vật liệu lổn ngổn ở sân, chị Hương cũng cảm thấy ngao ngán, chán nản lắm, nhưng chồng và bố chị vẫn không kêu than, oán thán nửa lời mà ngược lại làm việc rất hăng say.
“Có hôm 4 giờ sáng dậy vắt sữa cho con, tôi thấy bố không ngủ được dậy xếp gạch chuẩn bị vữa để sáng mai con rể dậy xây. Nhìn đống xi măng, sắt thép đến ngao ngán nhưng chẳng hiểu sao chồng và bố vẫn kiên trì, chăm chỉ và làm việc rất vui vẻ mỗi ngày. 7-8 tháng trời ròng rã, mệt lắm, nhưng bố rất vui, tôi cảm nhận được điều đó”, chị Hương kể.
Có hôm 4 giờ sáng dậy vắt sữa, chị Hương thấy bố đang xếp gạch để sáng mai cho chồng chị xây.
Ngôi nhà với dự kiến là chỉ sửa lại phần mái và ngăn phòng cho quy củ nhưng sau anh chồng chị Hương lại đập dần đập dần tới lúc “không còn gì để đập nữa thì thôi”. Hơn nữa, sắm sửa gì chồng chị cũng muốn sắm đồ tốt, đồ đẹp cho bố mẹ vợ.
Cho nên, ngôi nhà đập đi xây lại với dự trù kinh phí 40 triệu nhưng khi mới hoàn thiện được phần thô thì tổng chi phí đã nhiều hơn gấp mấy lần con số đó rồi. Tuy nhiên, tất cả đều nằm trong dự tính của chồng chị Hương cả, chẳng qua là anh không muốn nói vì sợ vợ và bố mẹ xót tiền.
Cầu thang này chồng chị Hương tự cắt sắt, hàn xì. Ban đầu anh cũng không biết hàn, toàn lên mạng học xong mua máy về tự hàn, tự cắt và thiết kế. Chồng chị nói, cầu thang là điểm nhấn của cả ngôi nhà nên phải làm cho đặc biệt nhất. Cầu thang này lên trên bên trái là phòng thờ Phật, gia tiên và 1 phòng ngủ. Hiện cầu thang vẫn chưa xong và chưa lắp kính do gia đình chị phải về Hà Nội cho con đi học.
Cửa kính này cũng do chồng chị Hương tự mua sắt về cắt và dựng kính. Vì cả hai vợ chồng đều thích không gian mở và thoáng nên trong nhà có tổng cộng hơn 10 cái cửa từ cửa chính đến cửa sổ.
View nhìn ra cửa sổ rất thoáng và mát.
Phần bếp siêu rộng và thoáng, đây sẽ là không gian sinh hoạt chung của cả nhà mỗi khi con cháu về với ông bà. Với căn bếp, anh chị chưa sắm sửa được gì nhiều, chỉ mua được cái máy lọc nước và chiếc tủ lạnh mới cho bố mẹ vì tủ gia đình dùng gần 20 năm rồi.
Căn nhà hiện đã xong phần thô với 4 phòng ngủ, 1 phòng khách, bếp và nhà ăn.
Chị Hương hào hứng kể, nhìn căn nhà của ông bà ngoại, con trai chị nhận xét rằng “Bố làm cho ông bà ngôi nhà mà cả buôn mình không ai có”. Mà đúng là không giống nhà ai thật, vì hàng xóm làng giềng ai vào cũng hỏi sao lại làm thế này mà không phải thế kia, bản thiết kế đâu rồi? Nhưng chồng chị không quan tâm, chỉ cần anh làm được gì cho bố mẹ thì anh sẽ làm, không cần phải giống ai, bằng ai, chỉ cần mình thấy đủ là được.
Tới cuối tháng 4, con trai chị Hương có lịch học và chuẩn bị vào tiền tiểu học nên cả nhà chị đã trở về Hà Nội khi căn nhà chỉ mới xong phần thô với 4 phòng ngủ và 1 phòng khách, bếp và nhà ăn. Giờ căn nhà chỉ cần trang bị nội thất và trang trí hoàn thiện nữa là được. Căn nhà tuy không quá to, không nguy nga lộng lẫy và chưa xong nhưng vợ chồng chị cũng như bố mẹ đều rất vui và hạnh phúc.
Nguồn: https://arttimes.vn/gia-dinh/nam-nhan-vien-van-phong-ha-noi-ve-que-tu-tay-xay-nha-cho-b...Nguồn: https://arttimes.vn/gia-dinh/nam-nhan-vien-van-phong-ha-noi-ve-que-tu-tay-xay-nha-cho-bo-vo-ca-lang-khong-ai-co-c59a9893.html
Nhà đẹp mỹ mãn