Đây là đồ án tốt nghiệp xuất sắc ngành kiến trúc năm 2007 (giải Loa Thành) của sinh viên Trần Trung Dũng, đại học Kiến trúc Hà Nội.
Vị trí khu đất và mặt bằng tổng thể. |
Đồ án là một công trình giả tưởng của sinh viên, nhưng dựa trên quy hoạch đã hoàn thiện về trung tâm văn hóa tại Mỹ Đình (Hà Nội). Khu đất hiện hữu dành cho thiết kế này có diện tích khoảng 9,8 ha, với chiều dài 410 m, rộng 240 m. Phía đông bắc khu đất tiếp giáp khu cơ quan, phía tây bắc và đông nam là khu đô thị mới, phía tây nam là đường Phạm Hùng. Hiện nơi đây là bãi đất trống, có hạng mục là công trình văn hóa, địa hình tương đối bằng phẳng.
Phối cảnh tổng thể của công trình. |
Giải thích về ý tưởng chọn thể loại công trình dành cho nhạc giao hưởng, Trần Trung Dũng nói: "Ở Việt Nam hiện rất ít nhà hát có thể dành cho biểu diễn nhạc giao hưởng. Hà Nội chỉ có 10 nhà hát các loại, nhưng một công trình phục vụ chuyên cho nhạc giao hưởng, kịch nói, cải lương, tuồng cổ, ca múa nhạc vũ kịch... hầu như không có, ngoại trừ nhà hát Lớn thành phố. Các buổi biểu diễn đều phải thuê rạp, hội trường... Chương trình bị hạn chế và không phát huy được chất lượng nghệ thuật và năng lực của nghệ sĩ, không đảm bảo được yêu cầu của người nghe".
Những đường nét kiến trúc khá mềm mại và mang tính "âm nhạc" của công trình. |
Với ý đồ từ nhịp điệu tiết tấu, công trình như một tác phẩm điêu khắc trên nước về nhạc giao hưởng. Theo tác giả, âm nhạc luôn là một đề tài hấp dẫn trong sáng tác nghệ thuật nói chung và kiến trúc nói riêng. Nhạc giao hưởng, một dòng âm thanh mạnh mẽ, sinh động, tràn đầy sức sống. Với công trình này, có cảm giác, để thưởng thức được nhạc giao hưởng, người nghe sẽ phải "gột rửa tâm hồn" sau khi đi qua hồ nước. Và tác phẩm điêu khắc bên hông công trình như một bức tường ngăn cách với thế giới bên ngoài âm nhạc.
Ý đồ thiết kế được lấy cảm hứng của nhịp điệu và tiết tấu trong âm nhạc. |
Nhà hát sẽ có một phòng lớn với 1.200 chỗ ngồi khán giả, một phòng nhạc thính phòng 500 chỗ, thuộc công trình cấp 1, chịu lửa bậc 2. Ngoài ra, nơi đây còn có khối phòng khán giả, khối phòng hòa nhạc, khối giao dịch kinh doanh văn hóa phẩm, khối điều hành quản lý, bảo vệ và các phòng làm việc. Đường chính dẫn vào nhà hát rộng hơn 20 m, bãi đỗ xe ngầm của công trình sẽ dự kiến đáp ứng lưu lượng người, đảm bảo an toàn trật tự của toàn khu vực. Đại sảnh 350 m2, trực bảo vệ 20 m2, phòng đợi kết hợp trưng bày quảng cáo 450 m2, quầy bán vé và kho 36 m2, khu gửi đồ, mũ áo 72 m2, phòng tiếp khách 60 m2, khu toilet nam và nữ 54 m2. Quảng trường trước nhà hát và bãi đỗ xe rộng khoảng 2.000 m2.
Thiết kế tạo ra không gian cho số người làm việc thường xuyên khoảng 120 người, bao gồm nhạc sĩ, nhạc công, các cán bộ quản lý. Số người đến thưởng thức nghệ thuật là khoảng 1.200-1.500 người. Tổng số lưu lượng người tới nhà hát sẽ là 2.000 người, có thể tăng gấp đôi vào ngày lễ hội.
Phòng hòa nhạc chính với sức chứa tối đa chừng 1.200 người. |
Hệ kết cấu được chọn là hệ lưới cột có module 9 x 9 m, được tuân thủ một cách nghiêm ngặt tạo nên sự mạch lạc trong sơ đồ kết cấu. Để đáp ứng yêu cầu phòng khán giả và phòng nhạc thính phòng không có cột, giải pháp kết cấu là dùng hệ giàn giao thoa để vượt qua hai không gian này. Các hệ sườn thuộc một vỏ và song song với hệ lưới cột thì có kích thước đúng bằng nhau. Với tính chất này ta có thể áp dụng giải pháp dùng hệ sườn lắp ráp được. Và lúc này số module của sườn lắp ghép rất ít.
Các hệ kết cấu của công trình. |
Công trình Nhà hát nhạc giao hưởng Việt Nam nếu được hình thành và sử dụng sẽ là một sản phẩm tinh thần lớn.
|
Linh Hương