Một căn nhà rộng hay hẹp đều có thể tự động hóa. Ảnh: VSH |
Nhà thông minh sử dụng các thiết bị và công nghệ tự động hóa, thông minh hóa, giúp cho con người nhàn hạ hơn trong sinh hoạt hằng ngày. Nói cách khác, đây là hệ thống giúp chủ nhân tận hưởng sự tiện nghi của cuộc sống và dễ dàng quản lý tổng quát đối với cả tòa nhà. Chỉ với một chiếc điều khiển từ xa, bạn có thể điều khiển tất cả, dù đang ở bất kỳ nơi nào. Bạn có thể tưởng tượng ra hiệu quả mà nhà thông minh mang lại thông qua những hoạt động rất gần gũi, chẳng hạn như nằm trên giường để mở cổng; sẽ không còn chuyện bị ngã do không nhìn thấy đường bởi đèn cầu thang sẽ tự sáng lên khi có người; hệ thống đèn trong phòng, bếp, bình nước nóng... sẽ hoạt động đúng giờ đã định; toàn bộ hệ thống đèn sẽ tự tắt sau khi bạn ra khỏi nhà; khống chế nhiệt độ chênh lệch giữa bên ngoài và trong nhà và còn rất nhiều tiện ích khác.
Không chỉ điều khiển được trong phạm vi ngôi nhà, công nghệ này còn cho phép tích hợp điều khiển qua điện thoại (cố định hoặc di động), internet hay PDA. Vì vậy, mọi sinh hoạt có thể được kiểm soát dù bạn đang ở công sở hay ngoài đường... Không chỉ riêng các ngôi nhà nhỏ, bạn hoàn toàn có thể thông minh hóa bất kỳ một không gian sống nào, kể cả trụ sở văn phòng, siêu thị, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng, nhà xưởng sản xuất, ngân hàng, bệnh viện hay các khu phức hợp khác... nếu lựa chọn công nghệ phù hợp.
Quy trình hoạt động của nhà thông minh. Ảnh: Gamma |
Vào Việt Nam từ cách đây khoảng 2 năm, công nghệ EIB mà cả hãng Siemens và Merten (đều của Đức) đang áp dụng bao gồm hai phần quan trọng là bộ cảm biến và bộ chấp hành. Trong đó, bộ cảm biến là thiết bị đầu vào nhận và truyền các tín hiệu điều khiển còn bộ chấp hành là các thiết bị thi hành mệnh lệnh đó. Thông qua bộ cảm biến, người sử dụng có thể điều khiển hệ thống ánh sáng, hệ thống điện, hệ thống điều hòa nhiệt độ, thang máy... trong công trình của mình theo mọi ý thích hoặc trình tự đã được xác lập trước, trên những diện tích không giới hạn. Công nghệ này khá cao cấp, đòi hỏi phải ứng dụng từ khi ngôi nhà đang xây dựng, chưa có hệ thống điện, và phải sử dụng dây tín hiệu riêng, độc lập với đường điện của ngôi nhà. Giá thành của sản phẩm này tương đối đắt, có thể từ vài nghìn đến vài trăm nghìn USD, trong đó có cả thiết bị, tùy theo thiết kế của công trình và theo sự phức tạp trong kịch bản của người yêu cầu.
Ra đời sau, nhưng những công nghệ mà Legrand (Pháp) và X10 (Mỹ) áp dụng có phần gần gũi hơn với đại đa số người dân. Công nghệ này có ưu điểm lớn nhất là thi công đơn giản, không ảnh hưởng đến thẩm mỹ của công trình, có thể áp dụng với những ngôi nhà cải tạo và giá thành tương đối "mềm" hơn. Cả hai công nghệ này đều sử dụng chính mạng điện có sẵn trong nhà để truyền tín hiệu điều khiển nên thuận lợi hơn là không phải đi thêm dây điện và cũng không phải đục phá tường hay thay đổi mạng điện. Người dùng chỉ cần gắn thêm các thiết bị vào phía sau các công tắc và ổ cắm để điều khiển theo ý mình. Tuy nhiên, công nghệ này vẫn còn một số nhược điểm, rõ ràng nhất là chỉ có thể ứng dụng cho những diện tích nhỏ, độ ổn định cũng không tuyệt đối và không phải tất cả mọi yêu cầu đều có thể được đáp ứng.
Thị trường tiềm năng
"Với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay, nhà thông minh ở thị trường Việt Nam sẽ có đất sống và phát triển tốt trong khoảng từ 5 đến 10 năm nữa. Xu hướng của mọi người, nhất là những người có thu nhập cao, một ngôi nhà đẹp thôi chưa đủ. Đó phải là một không gian sống tiện lợi, có thể giải phóng sức lao động của con người", KTS Phan Viết Lưu, Công ty CP Nhà Thông Minh, nhận định.
Khoảng 2 năm qua, ngày càng xuất hiện nhiều công ty nhà thông minh. Sau Siemens và Merten (Đức), có thể kể ra đây công nghệ của các hãng như Legrand (Pháp), Bticino (Italy), WattStopper và X10 (Mỹ)... Hầu hết các hãng này nhà thông minh này hiện nay đều thừa nhận mình đang khá mạo hiểm khi kinh doanh một "mặt hàng" hoàn toàn mới mẻ với đại đa số người dân. Chính vì vậy, họ chấp nhận phải mất một quãng thời gian chừng 2-3 năm để xây dựng hình ảnh, tiếp thị khái niệm và quá trình bán hàng chỉ có thể được tiến hành trong 5 năm sau đó.
Hà Nội và TP HCM là hai thị trường chính mà các công ty cung cấp công nghệ nhà thông minh hướng đến bởi khách hàng sử dụng đều phải có thu nhập khá cao. Họ cũng phải là những người có hiểu biết tương đối về công nghệ. Việc dự án khu dân cư Tân Thuận Đông, quận 7 (TP HCM) mới đây khai trương nhà mẫu Nam Phú sử dụng "nhà thông minh" Legrand do Công ty CP Nhà Thông Minh cung cấp đã có một tác động tích cực tới quan niệm của người dân. Nhiều khách hàng sau khi biết hệ thống này rất háo hức và đang có kế hoạch lắp đặt. Chỉ trong một thời gian ngắn có mặt ở TP HCM, Công ty CP Nhà Thông Minh đã ký được hợp đồng với 10 khách hàng.
Tương tự như Legrand, Emate (công ty cung cấp công nghệ của hãng Merten) cho biết, họ cũng đã có một bước tiến dài trong việc kiếm được hợp đồng trong vòng 1 năm trở lại đây. Đại diện kinh doanh của công ty cho hay sau hơn 1 năm đầu tư xây dựng hình ảnh, năm 2006 họ đã có được xấp xỉ 10 hợp đồng và dự kiến con số này sẽ tăng lên gấp đôi trong năm nay. Hiện khách hàng của họ phần lớn là các khách sạn, nhà hàng hoặc các gia đình khá giả, chẳng hạn như tại khu nhà ở cao cấp The Manor... Sắp tới, công ty cũng sẽ "bành trướng" vào TP HCM, một thị trường được họ đánh giá khá tiềm năng.
Anh Nguyễn Thắng, Giám đốc điều hành của Vsmarthome (X10), có văn phòng đại diện tại Hà Nội cũng cho hay sẽ sớm Nam tiến với mục tiêu chiếm lĩnh thị phần mảng nhà dân do sản phẩm của công ty khá rẻ. Với một căn hộ chung cư chừng 100 m2, chỉ cần bỏ ra khoảng 5 triệu đồng. Với những căn biệt thự 4-5 tầng, số tiền chi phí tối đa chừng 1.000 USD.
Địa chỉ tham khảo
- Công ty Vsmarthome: Số 71 ngõ 61 Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội
- Công ty TNHH Emate: 214 Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
- Công ty CP Gamma: 21 Mai Hắc Đế, quận Hai Ba Trưng, Hà Nội và tầng 3, tòa nhà 167-169 Điện Biên Phủ, phường Đa Kao, quận 1, TP HCM.
- Công ty CP nhà thông minh - NTMC - số 4 Bùi Đinh Túy - quận Bình Thạnh - TP HCM
Linh Hương