Để có được một chiếc tủ tiết kiệm diện tích, thử thay thế kiểu cửa truyền thống có cánh treo lên bản lề, chiếm không gian bằng các ngăn kéo hoặc tủ kéo di động rất hiện đại. Khi dùng đến đồ vật gì, chỉ cần kéo ra, không dùng thì đẩy lại.
Lắp kính vào phía trước cửa tủ tường thay vì cửa đặc. Ánh sáng sẽ có thể đi xuyên qua cửa mà không bị cản. Không gian có cảm giác được mở rộng. Nếu thích, bạn có thể lắp thêm đèn vào bên trong để tạo hiệu ứng ánh sáng.
Kệ để đồ bếp di động có thể đẩy ra đẩy vào. |
Và ngăn kéo đa năng giúp tăng không gian sử dụng. |
Bố trí bếp, bồn rửa, tủ lạnh, tủ đựng đồ và các vật dụng khác càng âm tường được càng tốt. Đó là cách hữu hiệu nhất để tiết kiệm không gian.
Có một mẹo nhỏ đơn giản song lại ít người biết, đó là bố trí các vật dụng dưới sàn có chiều cao thấp, vừa phải song vẫn phải đạt được yêu cầu sử dụng. Tủ treo tường cao hơn nhằm mở rộng không gian “tầm trung” gần với mắt người. Điều đó khá hữu hiệu làm rộng thêm không gian.
Với phòng bếp hẹp, không nên sử dụng đèn chùm, đèn thả ở giữa phòng, sẽ có cảm giác tù túng và vướng víu. Nên phân bổ đèn khắp phòng, chú ý các vị trí cần ánh sáng như chỗ nấu ăn, bồn rửa và bàn ăn. Nên sử dụng đèn âm tường, màu sắc dịu, sáng. Ánh sáng trắng có thể là sự lựa chọn phù hợp.
Căn bếp này có đến 2 cửa sổ, nhiều ánh sáng tự nhiên, không gian mở rộng rất nhiều. |
Mở cửa sổ (nếu có thể) ở vị trí bếp để tăng góc nhìn và cũng để mang lại cảm giác căn phòng được mở rộng, vừa đón khí và giao hoà với thiên nhiên, đồng thời lại tạo phong thuỷ tốt. Ngoài ra, ánh sáng tự nhiên kích thích ăn uống và giữ đồ vật không bị ẩm mốc.
Sàn nhà màu sáng, đồng bộ với sơn tường sẽ làm khu bếp không bị gián đoạn mà nối tiếp với nhau thành một khối. Chú ý lát gạch có kích thước lớn, cũng là một cách làm rộng phòng. Tương tự, nên chọn chất liệu bề mặt các vật trong phòng có độ phản chiếu cao. Kính hiện là "mốt", với một căn bếp sử dụng kính, không gian không chỉ sáng bừng lên mà còn rất hiện đại.
Kính ốp bề mặt cũng là một sự lựa chọn làm rộng không gian. |
Bàn ghế trong bếp nên chọn loại có kết cấu đơn giản, mảnh mai. Có thể là đồ sắt hoặc kiểu hiện đại phá cách giảm thiểu chi tiết, tránh các khối đặc, đen, và sẫm màu.
Không nên "ôm" quá nhiều vật dụng trang trí, chỉ nên sử dụng ở những vị trí cần thiết như bàn ăn với một chiếc bình hoa hoặc giỏ hoa quả. Ở trên tủ tường có thể bày biện đĩa trang trí, bộ đồ ăn… Hãy vứt bỏ những thứ không cần thiết để làm cho không gian bếp thoáng hơn.
Nếu bạn đã phân chia phòng ăn thành hai ngăn, một để nấu nướng và một để kê bàn ăn, hãy nghĩ lại và phá bỏ vách ngăn. Nên để không gian liên thông, như vậy không gian nhà bếp sẽ được mở rộng tối đa, bạn còn có thể quan sát được khi đang ở phòng bên cạnh.
Tuỳ vào đặc thù căn bếp nhà mình, hãy áp dụng cách bố trí hợp lý.
KTS Lê Đức Dũng
Công ty CP Kiến trúc DMC Việt Nam