Hỏi: Đầu năm hái lộc, đổ nước đầy vào lu bình trong nhà, mua thác nước phong thuỷ... để đem lại may mắn liệu có khoa học không. Và nếu ai cũng hái lộc thì còn gì là cây lá, ai cũng chưng thác nước thì sao tất cả không giàu có dồi dào? Tôi không tin những điều ấy và tôi muốn quý báo giải thích giùm những vấn đề liên quan đến chuyện nước trong nhà, cửa thực hư ra sao. Xin cảm ơn và chúc quý báo một năm mới thành công, thịnh vượng.
Lê Thái, quận 9, TP.HCM
Trả lời:
Trước hết về mặt từ ngữ, lộc trong lộc non cây lá (màu xanh lá đọc là lục, nghe na ná... lộc) được dân gian gán ghép với lộc trong tài lộc, tiền bạc nên nhiều người thích “hái hoa bẻ cành” có lẽ cũng nằm ở chuyện suy diễn đồng âm này. Có nhà treo bức thư pháp chữ Phúc ngược diễn tả Phúc đảo (ngược) để đọc lên nghe như Phúc đáo (phúc đến nhà). Hoặc hình tượng con dơi trong trang trí, điêu khắc dân gian ở nhà cửa, đình chùa cũng bởi âm “bức” của dơi nghe... na ná với Phúc. Chính vì gán ghép ngữ nghĩa nên xảy ra tình trạng hái cây bẻ lá cứ hái, còn lộc có đến hay không thì ai cũng hiểu mà nhiều người không hiểu, đây trở thành vấn đề xã hội, hiệu ứng đám đông chứ không dừng lại ở niềm tin hay tập quán nữa rồi.
Nước trước công trình là giải pháp phong thuỷ cơ bản xưa nay để vừa tạo cảnh quan vừa mang ý nghĩa bình an, giảm tác động xấu từ bên ngoài vào.
Đa số gia chủ đều biết trong nhà ở nên tăng cát (tốt), giảm hung (xấu), thế nhưng không gian nào được xem là cát, chỗ nào là hung thì ít phân định rạch ròi. Các nghiên cứu phong thuỷ hiện đại chỉ ra rằng, không gian hung, đơn giản là những chỗ có phát sinh chất thải, khói bụi. Còn cát là những không gian sinh hoạt chủ yếu và sạch sẽ. Tuy nhiên vẫn còn những không gian 50/50 vừa cát vừa hung có quan hệ với không gian khác theo quy luật âm dương tương đối, như chỗ đi lại, giếng trời, hàng hiên,… đều không phải nơi sinh hoạt thường xuyên nhưng giúp phụ trợ, chuyển tiếp giữa trong ngoài, giữa các chỗ cát – hung với nhau.
Trở lại chuyện nước và tài lộc liên quan cát hung trong nhà, cách giải thích đơn giản có nước có tiền (!) dễ gây ngộ nhận về sự thần kỳ của bồn nước tụ thuỷ. Ở thái cực sợ nước, nhiều gia chủ lại viện dẫn phiền toái khi phải chống thấm, xử lý cấp thoát nước, phần khác là qua những đồn đại thuỷ khắc hoả, như nước làm… dập tắt lửa ấm áp trong nhà, làm bếp nguội suy bại gia đạo (?), hoặc theo kiểu “tôi mạng hoả nên kỵ làm hồ nước!”. Thực ra các kiêng kỵ trong phong thuỷ không hề bất biến cứng nhắc, mà có thể linh hoạt điều chỉnh tuỳ theo thực tế.
Yếu tố nước trong bài trí nội thất mang ý nghĩa về sự tuôn chảy, sống động, trong lành và sự nuôi dưỡng. Những mảng trang trí nước tác động vào giác quan của con người (như tai nghe tiếng róc rách, mắt nhìn thấy dòng chảy…) thiên về yếu tố hỗ trợ tinh thần là chính. Hồ tràn, hòn non bộ trước nhà đóng vai trò tấm bình phong che chắn nhẹ nhàng, không gây tác động xấu, miễn là biết bài trí hợp lý, đồng thời giảm được các bất tiện do nước gây ra. Còn vào nội thất có dòng suối hay thác nước thì lại khiến độ ẩm trong nhà bị tăng lên đáng kể, phát sinh muỗi... Nếu bố trí hồ nước không đúng vị trí, như đặt hồ cá cảnh, hòn non bộ dưới gầm thang, nơi tối tăm ẩm thấp thì sẽ khiến âm quá thịnh, vừa khó nhìn ngắm tận hưởng lại vừa khó vệ sinh bảo dưỡng.
Ảnh trái: Gia tăng sinh khí cho nhà bằng nước thể hiện dưới dạng tiểu cảnh có suối chảy róc rách, hoặc hồ thuỷ sinh treo tường tuỳ theo điều kiện mặt bằng, không gian cụ thể. Ảnh phải: Dù diện tích nhỏ nơi sân sau hay giếng trời, nhưng chỉ cần khéo bố trí được hồ nước có đón nắng gió trực tiếp, với chút cây xanh hay đá cảnh cũng đủ làm nên "bộ lọc" hữu hiệu cho nội khí của nhà ở, không nhất thiết phải có núi cao sông sâu mới là sơn thuỷ kỳ thú.
Một mặt nước nhỏ kết hợp với chút cây xanh và chiếu sáng đẹp sẽ giúp kích hoạt nguồn năng lượng sống trong nhà, thiết nghĩ có thể xem xét. Nếu nhà có sân vườn hoặc khoảng trống trên sân thượng thì một mặt nước nhỏ thả sen súng và nuôi cá, có chỗ ngồi ngắm cảnh kiểu nhà nhiệt đới (tropical house) sẽ là nơi lý tưởng cho thư giãn, tận hưởng cuộc sống mà không cần đi đâu xa. Nên lưu ý giảm thiểu đường nét rườm rà để không làm rối mắt và tạo nên một không gian sạch sẽ, tinh khiết, với đá và nước là yếu tố chủ đạo, chính là đã đem được thiên nhiên đến gần hơn với nơi cư ngụ của mình.
Như vậy, đưa nước vào nhà sao cho đủ cho vừa là điều nên nghĩ đến như một ý tưởng trong thiết kế, cần xem xét nhiều mặt và khoa học. Còn chuyện nước có đem đến tài lộc hay không thì cũng như nhiều khái niệm mang tính văn hoá dân gian.