Lan càng cua (Zygocactus truncates) hay gọi là tiểu quỳnh, thuộc họ xương rồng và xuất xứ từ Rio de Janeiro, Brazil. Là dòng cây phụ sinh, sống bám trên thân cây khác (cùng họ xương rồng) hoặc thân hóa gỗ nếu lâu năm. Nhánh cây mọng nước và phân nhiều cành thành bụi nhỏ cao khoảng 20-40cm. Có 2-3 cành dẹt trên nhánh, mép có dạng răng và ở các mấu đốt thắt lại.
Hoa bóng mượt với cánh xếp xoắn ốc và rất sai hoa đủ màu sắc: Tím, trắng, hồng, đỏ,… Hoa mọc trên đỉnh cành như chiếc càng cua nhỏ và có quả hình tròn màu đỏ. Mùa hoa vào tháng 10 đến tháng 3 năm sau, hoa bền màu và lâu tàn 2-3 tháng.
Đất trồng lan càng cua phải giàu chất dinh dưỡng, tơi xốp, thoáng khí, thoát nước tốt và hơi chua. Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ… Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 15 - 20 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.
Cây lan càng cua thường được nhân giống bằng phương pháp ghép cây hoặc giâm cành. Tốt nhất là nên trồng vào mùa khô. Ngoài ra bạn nên lưu ý thêm 3 điểm này để cây phát triển và ra hoa đẹp.
Tưới đủ nước
Nên thường xuyên xịt nước trên lá cho cây lan càng cua, nhưng loài này ưa môi trường tương đối khô, độ ẩm lý tưởng khoảng 40 - 60%. Tưới nước phải theo nguyên tắc không quá khô cũng không quá ướt, đất trồng trong chậu cũng phải theo nguyên tắc này.
Bón phân hợp lý để cây phát triển nhanh
Dùng loại phân hữu cơ đã lên men, phân tro để bón cho cây lan càng cua. Nên bón thêm phân vào thời kỳ cây nở hoa. Hoa lan càng cua có yêu cầu khá cao đối với phân bón, cách 10 ngày nên bón phân 1 lần, tốt nhất là dùng luân phiên 2 dạng phân tưới và phân hỗn hợp. Đến mùa thu có thể ngừng hoặc bón ít đạm, nên bón chủ yếu lân, kali vì như thế sẽ thuận lợi cho việc ra hoa.
Ánh sáng và nhiệt độ
Lan càng cua ưa sáng nhưng dễ bị cháy khi nắng gắt trực tiếp. Nên cho cây phơi nắng sớm 1-2 lần/tuần, từ 1-2 tiếng quang hợp là đủ. Mùa xuân và mùa thu có thể để cây ngoài trời hấp thụ ánh sáng, vào mùa hè cần đặt cây vào bóng râm, mới giữ được màu tưới cho hoa, đến mùa đông thì chuyển cây vào trong nhà có ánh sáng, tránh rét.
Bệnh vàng lá do nắng gắt trực tiếp chiếu vào cây hoặc do nhện đỏ ký sinh, nên sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ và đảm bảo an toàn như dầu neem, dịch tỏi, thuốc sâu sinh học từ hành tăm hoặc ớt,…
Nguồn: https://arttimes.vn/gia-dinh/nuoi-lan-cang-cua-nam-duoc-3-mau-chot-thi-canh-la-phat-tri...Nguồn: https://arttimes.vn/gia-dinh/nuoi-lan-cang-cua-nam-duoc-3-mau-chot-thi-canh-la-phat-trien-nhanh-ra-hoa-rat-nhieu-c59a10197.html
Nhà - Vườn