“Tây Ninh nắng cháy da người”. Đó là câu nói quen thuộc của mọi người khi nhắc đến Tây Ninh. Sở dĩ nói như vậy vì ở nơi đây nắng gần như quanh năm, nhưng hễ mưa cũng xối xả, có khi mưa mấy ngày liền. Ở nơi như vậy, tưởng chừng rất khó trồng rau nhưng chị Phương Kiều (39 tuổi) vẫn có vườn rau xanh tốt quanh năm trên sân thượng.
Chị Phương Kiều đã trồng rau trên sân thượng được hơn 3 năm.
Mẹ đảm cho biết, chị sống ở huyện Gò Dầu, làm về mảng dịch vụ hoa tươi. Năm 2021, lúc dịch Covid-19 hoành hành, do giãn cách ít việc làm và lúc đó con gái nhỏ của chị cũng đang tuổi ăn dặm nên chị bắt đầu trồng rau. Phần vì để có việc mà làm cho cuộc sống đỡ nhàm chán, phần vì để có rau sạch cho con gái ăn cũng như cung cấp nguồn rau sạch cho những bữa cơm gia đình.
Chị Phương Kiều cho hay, chi phí đầu tư cho khu vườn sân thượng rộng 100m2 không nhiều, nhưng vất vả ở chỗ phải bê đất từ dưới mặt đất lên sân thượng tầng 3. “Tuy vất vả nhưng kiến tha lâu cũng đầy tổ, thế là vườn rau trên sân thượng của tôi cũng hoàn thành”, chị Kiều nói.
Vườn rau trên sân thượng nhà chị Kiều.
Chị chủ yếu trồng rau trong thùng xốp, ngoài ra chị còn sắm kệ sắt để đặt thêm vài chậu rau nữa. Khi trồng rau trên sân thượng, việc chống thấm sàn rất quan trọng, vì thế mẹ đảm không đặt thùng xốp trực tiếp trên mặt sàn mà kê thêm vài viên gạch bên dưới. Việc này không những giúp chống thấm sàn mà còn giúp việc thoát nước trong thùng dễ dàng hơn, không lo bị đọng nước.
Trong khu vườn trên sân thượng, chị Phương Kiều chủ yếu trồng các giống rau khí hậu ôn đới như bắp cải, súp lơ, cà chua, ớt chuông, xà lách… vì những loại đó trồng dưới đất rất dễ bị sâu. Xung quanh vườn thì chị trồng những loại cây dây leo như khổ qua (mướp đắng), bầu, bí, dưa chuột, dưa lưới,…
Chị Kiều trồng rau luân canh, mùa nào rau nấy nên có rau xanh ăn quanh năm. Cùng với đó, chị cũng trồng đan xen một số loại hoa như cúc vạn thọ, hướng dương, hoa dừa cạn,… để thu hút ong giúp vườn thụ phấn. Các loại rau rất cần nắng nên chị không che chắn gì trên sân thượng, mặc dù nơi đây gần như nắng quanh năm.
Tuy nhiên, không phải trồng rau lần đầu đã thành công. Để có được vườn rau xanh mướt mắt đủ loại như ngày hôm nay, chị Phương Kiều cũng từng trải qua không ít gian truân và học hỏi rất nhiều.
“Lúc đầu trồng rau, vườn rau của tôi trông chán lắm. Có khi trồng gần chục cây, đến khi ra quả thì chỉ còn có 1-2 cây. Sau đó tôi tham gia vào các hội nhóm trồng rau trên mạng xã hội, nhóm nào liên quan đến trồng rau là tôi tham gia hết. Nhờ đó mà tôi mới có được vườn rau xanh tốt quanh năm như vậy”, mẹ 2 con chia sẻ.
Mẹ đảm cho biết thêm, vì chị trồng rau cung cấp cho gia đình nên trồng bằng phương pháp hữu cơ hoàn toàn, không sử dụng thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học. Về mặt phân bón, chị không phải bận tâm vì nhà chị nuôi chim yến nên chủ yếu chị sử dụng phân chim yến là chính. Cứ đầu mỗi vụ, chị lại phơi đất tầm một tuần rồi trộn vôi với phân chim yến, khoảng một tuần sau thì xuống giống. Ngoài ra, chị còn học cách tự ủ phân trứng sữa, phân đậu tương để tưới luân phiên hàng tuần cho rau đến khi thu hoạch.
Khu vườn của chị hoàn toàn không có sâu, nhưng đôi khi một số loại cây như dưa hấu, dưa leo, cà chua lại bị rệp sáp, rệp mềm tấn công. Khi phát hiện ra, chị thường nhổ bỏ cả cây để tránh lây lan mầm bệnh thay vì sử dụng thuốc trừ sâu.
Rau quả thu hoạch trong vườn rau trên sân thượng nhà chị Kiều.
“Trồng rau khá vất vả nhưng đổi lại được sức khoẻ cho những người thân yêu, chứ bây giờ ra chợ không biết đằng nào, tôi sợ mua phải rau phun thuốc hóa học lắm. Hơn nữa, trồng rau cũng thỏa mãn được đam mê của bản thân tôi. Chỉ cần lên sân thượng ngắm vườn rau thôi là bao nhiêu mệt mỏi, stress điều tan biến hết. Có thể nói, vườn rau là món ăn tinh thần của tôi.
Các con của chị Kiều rất hào hứng khi lên sân thượng hái rau cùng mẹ.
Ngoài ra, đó còn là sân chơi của hai đứa của tôi. Con trai lớn của tôi năm nay 9 tuổi, con gái 3 tuổi và các con đều rất thích lên sân thượng. Cứ cuối tuần không đi học là sáng nào con cũng theo mẹ lên sân thượng tưới rau, hái rau”, chị Phương Kiều hạnh phúc chia sẻ.