Nhà rộng hay hẹp đều cần một không gian đa năng. |
Với nhà tương đối rộng, phòng đa năng thường nằm tại trung tâm ngôi nhà (trung cung). Phòng đa năng có vai trò gần giống phòng sinh hoạt chung nhưng thực ra đôi khi nơi này tùy theo mỗi nhà còn được tận dụng làm phòng ngủ khi nhà có khách đột xuất, có thể đặt bàn thờ hoặc làm thư phòng... Do đó, phòng đa năng trở thành nơi có tính chất trung hòa khí của nhiều đối tượng, lứa tuổi, giới tính khác nhau trong nhà. Nếu nối được các hành lang hoặc cầu thang thì rất tốt, tránh tình trạng phải xuyên qua phòng khác rồi mới đến phòng đa năng.
Đối với nhà diện tích hẹp hoặc căn hộ chung cư kiểu một phòng ngủ, đây sẽ là chỗ sinh hoạt chủ yếu. Có nhà đặt cả bàn ăn hay bếp núc trong không gian này luôn. Nhưng kiểu bố trí này trong điều kiện khí hậu nóng ẩm như ở Việt Nam không thuận lợi lắm vì không gian nấu và ăn uống sẽ thải ra nhiệt và khói, không tốt cho các sinh hoạt khác. Nếu không thể tách biệt bằng vách ngăn thì nên xem xét việc thay đổi cao độ nền để phân khu rõ ràng hơn.
Giải pháp
Bình phong giúp dễ dàng biến đổi không gian theo chức năng sử dụng. |
Không gian đa năng thường có hai dạng là kín hoặc hở. Với dạng kín (tức là phòng riêng biệt) thì các giải pháp nghiêng về lối bố trí liên hoàn bếp - ăn - tiếp khách hoặc ngủ - làm việc - giải trí. Với dạng hở, thường là nhà có diện tích hẹp nên rất cần sự lưu thông nguồn khí. Vì vậy, cá vật dụng bố trí phải cơ động để biến đổi không gian tùy theo chức năng sử dụng. Các thủ pháp dùng bình phong, rèm hoặc tủ ngăn có bánh xe để thuận tiện di dời đều rất hiệu quả. Bàn, ghế hay giường xếp cũng nên sử dụng nhằm giảm diện tích chiếm chỗ. Cần quan tâm đến các biện pháp thông thoáng hỗ trợ bằng nhân tạo (quạt hút, máy khử mùi) và gắn kính hoặc gương phản chiếu để làm thoáng rộng không gian và kích hoạt luồng khí lưu thông mạnh hơn, nhất là khi tập trung đông người.
(Theo Thanh Niên)