Thực tế kiến trúc resort không chỉ đơn giản là phòng ngủ, là nơi lưu trú với dịch vụ tiện nghi. Để có một giá trị đồng bộ, tương tác tốt đến cảm giác thư giãn thích thú, ngoài thiết kế kiến trúc, nội thất... còn phải cần lao động chuyên nghiệp của nhà thiết kế cảnh quan (landscape); chuyên gia phong cách (stylist), nghệ thuật sắp đặt (installation). Đó là chưa kể trong vài trường hợp đầu tư nghiêm túc, chắc chắn không thiếu vai trò của các cố vấn về văn hoá và truyền thống địa phương. Dĩ nhiên, sẽ rất là phung phí khi viện đến nhiều chuyên gia đến vậy mà không đặt resort trong sự vận hành của những nhà quản lý kinh doanh du lịch có tay nghề chuyên nghiệp.
Nam Hải Resort tại Hội An, khu nghỉ dưỡng đắt tiền nhất miền Trung. Ảnh: Reuters |
Nhưng muốn làm được như vậy thì phải đầu tư tương thích và hợp lý. Ở Việt Nam hiện tại, theo tính toán thì suất đầu tư cho resort 3 sao là 45.000 USD một phòng, 4 sao là 65.000 USD và 5 sao là 95.000 USD. Theo Tổng cục Du lịch, số vốn đầu tư bình quân của các resort là khoảng 1 tỷ đồng một buồng (số liệu năm 2006). Nếu dùng vật liệu bóng bẩy có vẻ hiện đại, bóng loáng thì dễ bảo dưỡng nhưng có vẻ đi ngược lại chất lượng được ưu tiên một là thư giãn, gần gũi thiên nhiên.
Thật ra trong kinh doanh đã hình thành nhiều resort thu tiền cao mà vẫn đắt khách. Nhu cầu cao nhất của du khách khi tìm đến resort là để thư giãn. Du khách đã bỏ thời gian và tiền bạc, nhà đầu tư và nhà thiết kế đem đến cho họ một không gian phù hợp để họ có thể thư giãn. Một số resort lược bỏ bớt những yếu tố của đời sống công nghiệp, những máy móc hào nhoáng chỉ vì chúng nhắc người ta nhớ đến đời sống thường nhật hàng ngày. Vì vậy, bỏ bớt yếu tố công nghiệp không phải là lập dị, là tiết kiệm. Tạo ra cái “hoang sơ 5 sao” là điều mà người ta nhắm tới để mang đến cho du khách một môi trường thư giãn nhất. Người ta đi nghỉ ở resort là để hưởng cái không gian còn lại giữa các “xác nhà” (mà đầu tư nội thất không ít tiền). Vì vậy mới có một khái niệm vui vẻ “vẽ resort là vẽ... khoảng trống”.
Furama tại Đà Nẵng, một trong những khu resort đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh: ĐN |
Để có nhiều những giá trị thật sự đó cho resort thì xu hướng hiệu quả trực tiếp nhất là dùng vật liệu thô, tự nhiên, nặng chất công phu của văn hoá vật liệu truyền thống. Mà theo hướng này thì lập tức phải tốn nhiều chi phí khắc phục nhược điểm thô thiển, thiếu an toàn, chóng hỏng, phí bảo dưỡng cao. Vậy là thấy ngay cái giá cao hợp lý của... resort 5 sao. Như vậy, khi một resort ra đời thì người đầu tư, nhà thiết kế đã phải nhắm đến một chân dung du khách cụ thể với một không gian, phong cách, tiện nghi phục vụ tương thích, chi phí đầu tư và giá bán sản phẩm tương thích.
Khoảng 10 năm qua, ở Việt Nam resort đã có bước phát triển rất nhanh. Chỉ tính riêng Phan Thiết, khi khánh thành resort Victoria Phan Thiết thì lúc đó mới chỉ có Coco Beach. Nay thì riêng Mũi Né (Phan Thiết) đã có gần 100 resort, đủ mức giá, đủ loại chất lượng. Tốc độ phát triển quá nhanh có thể dẫn đến những dạng “lệch pha” giữa người tiêu dùng, nhà đầu tư và cả nhà thiết kế.
Dưới góc độ tiêu dùng, nếu bạn vào nghỉ chỗ nào đó thấp hơn nhu cầu của mình thì bạn tốn thời gian mà không có được kỳ nghỉ đúng nghĩa. Nếu bạn vào chỗ nào đó được tổ chức chu đáo quá mức cần thiết của bạn và thu tiền rất cao thì bạn vừa mất thời gian, vừa mất tiền vừa mất luôn cả kỳ nghỉ.
Ta đã biết mỗi resort là một đối tượng khách khác nhau, mức giá khác nhau. Đồng tiền bỏ ra ở resort có thể đong đếm bằng giá trị các tiện nghi, dịch vụ. Nhưng thực chất cuối cùng là mua một cảm giác thư giãn đúng tầm và đúng giá. Muốn khỏi “nhầm chỗ” thì bản thân người dùng cũng phải xác định cho đúng nhu cầu của mình. Chẳng hạn, nếu bạn đi nghỉ cùng bạn bè thì phải chọn chỗ nào đó nhiều vẻ tươi tắn. Nếu đi nghỉ cùng gia đình, thì đừng quên trẻ nhỏ không hào hứng gì với giá cao của resort 5 sao có khung cảnh thiền định tuyệt vời... Ở những resort thiết kế thích hợp cho sự tĩnh dưỡng thì đừng chọn cho kỳ nghỉ cơ quan với cánh mày râu ngả ngớn bên thùng bia, cười nói ồn ào.
KTS Nguyễn Văn Tất
Hội KTS TP HCM