Nhiều nghiên cứu của các chuyên gia đã chỉ ra rằng, dù có dọn sạch đến đâu thì căn bếp nhà bạn vẫn có thể bẩn hơn cả nhà vệ sinh, mà nguyên nhân lại xuất phát từ chính những thứ bạn sử dụng nhiều lần hàng ngày như bồn rửa, miếng rửa trong quá trình rửa bát. Không chỉ vậy, nhiều thói quen rửa bát sai lầm sẽ vừa khiến bát đĩa không sạch sẽ mà còn gây hại cho sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
1. Ngâm bát đĩa lâu trong nước xà phòng
Nhiều bà nội trợ có thói quen ngâm bát đĩa và xoong nồi rất lâu trong nước rửa chén pha loãng ở bồn rửa, vì thấy thức ăn dễ dàng bở ra để cọ sạch. Tuy nhiên, thói quen này hoàn toàn sai lầm bởi sau khoảng thời gian dài được "đắm mình" trong nước rửa chén, các hóa chất độc hại sẽ dễ dàng ngấm sâu vào xoong nồi. Việc này càng nguy hiểm hơn nếu như bát đĩa, đũa,... làm bằng tre hoặc gỗ vì khi những thớ gỗ đã ngấm đầy hóa chất, thì có rửa kỹ đến mấy cũng không thể sạch hết được.
2. Cho quá nhiều nước rửa chén
Tưởng rằng càng nhiều bọt càng sạch, nên không ít người khi rửa bát "đổ lấy đổ để" thật nhiều nước rửa để bồn rửa ngập trắng bọt, trông không khác nào "bồn tắm xà phòng". Trên thực tế, việc lạm dụng nước rửa chén sẽ khiến cho công đoạn tráng và làm sạch tốn nhiều thời gian, công sức hơn và nếu không rửa kỹ càng thì bát đĩa xoong nồi sẽ vẫn bám đầy hóa chất độc hại.
Lạm dụng nước rửa chén khiến việc tráng rửa tốn nhiều thời gian, công sức mà chưa chắc đã sạch hẳn các hóa chất độc hại. Ảnh minh họa
3. Đổ trực tiếp nước rửa chén lên bát đĩa
Hầu như các chị em và kể cả các đấng mày râu khi rửa bát đều đổ thẳng nước rửa lên bát đĩa "cho đậm đặc" mà không biết rằng sai lầm này khiến cho lượng hóa chất bám lại trên bát đĩa càng nhiều hơn. Tốt nhất, hãy pha loãng nước rửa chén vào lượng nước vừa phải, đánh tan thành bọt rồi mới sử dụng.
4. Dùng miếng rửa bọt biển
Rất có thể miếng bọt biển xinh xắn mà bạn đang sử dụng hàng ngày là một "quả bom vi khuẩn", bởi những kẽ hở bên trong chúng tuy có tác dụng cọ sạch rất tốt, nhưng lại chính là "hang ổ" của rất nhiều loại vi khuẩn, trong đó có E. coli và salmonella (loại vi khuẩn làm cho thức ăn trở nên độc hại).
Miếng bọt biển nhỏ nhắn này có thể là "hang ổ" của rất nhiều loại vi khuẩn, trong đó có E. coli và salmonella. Ảnh minh họa
Thay vì chọn những miếng bọt biển màu mè, bạn có thể dùng những loại khăn, miếng rửa bát làm bằng sợi tự nhiên, vệ sinh chúng thường xuyên và phơi khô ráo trước khi dùng.
5. Không vệ sinh bồn rửa sạch sẽ
Có thể bồn rửa bát nhà bạn sau một thời gian dài sử dụng sẽ không còn "sáng choang" như lúc mới mua, nhưng chúng luôn phải được cọ rửa sạch sẽ thường xuyên như bát đĩa vậy. Theo thống kê của Dịch vụ y tế quốc gia Mỹ, bồn rửa nhà bếp thường chứa lượng vi khuẩn nhiều hơn gấp 100.000 lần so với phòng tắm hoặc nhà vệ sinh. Bạn có thể dùng giấm trộn với baking soda hoặc muối để khử trùng, diệt khuẩn bồn rửa thường xuyên.
6. Rửa không đúng cách
Không nên chà xát mạnh với nhiều xà phòng vào chảo gang đang dính dầu mỡ, mà thay vào đó hãy cho chảo lên bếp, đun nóng để dầu mỡ chảy ra, lúc đó bạn sẽ dễ dàng rửa xoong chảo mà không cần chà xát quá mạnh.
Nếu chảo dính nhiều dầu mỡ, hãy cho lên bếp đun nóng để dầu mỡ chảy ra rồi rửa sạch. Ảnh minh họa
Xoong chảo, bát đũa, nhất là vật dụng bằng gỗ sau khi rửa cần được phơi khô ráo sạch sẽ mới cất đi để tránh ẩm mốc. Thêm vào đó, chị em nội trợ nên đeo găng tay khi rửa bát để tránh làm hại da tay.