Khi chọn vật liệu sàn cần chú ý đến công năng. Ảnh: OWC |
Đừng bao giờ chọn một giải pháp vật liệu lát sàn chỉ vì đẹp thuần túy. Hãy nghĩ đến vị trí, công năng, ai sẽ đi lại trên sàn nhà đó và các sinh hoạt diễn ra thường xuyên. Chẳng hạn như sàn bếp hay toilet không thể lát cùng vật liệu với phòng ngủ. Các đồ vật bố trí trên sàn cũng như vậy. Nếu có thể bỏ đi mà vẫn không ảnh hưởng gì thì... nên bỏ. Cần hiểu sàn nhà cũng là một thành phần trang trí tốt, cho nên những đồ vật trang trí khác có thể sẽ không cần thiết hoặc che lấp đi vẻ đẹp của sàn.
Yếu tố bền vững đặc biệt cần thiết bởi sàn nhà chịu nhiều áp lực nhất trong nhà. Nếu bề mặt sàn mau xuống cấp, trầy trụa, chịu lực yếu (gác gỗ chẳng hạn) thì chắc chắn đó không phải là một sàn nhà an toàn cho bước chân của bạn. Sàn khó thay đổi hơn tường hoặc trần vì thế cần chọn những vật liệu có tính bền vững cao cũng như độ "bền vững" về thẩm mỹ để không phải gia cố sửa chữa nhiều. Sàn đúc bê tông rồi lát gỗ (nhất là gỗ nhân tạo, nhiều mẫu mã và không phức tạp trong thi công) là dạng sàng đẹp một cách đơn giản, dễ phối hợp với các vật dụng. Trong khi sàn lát gạch thì phong phú về mẫu mã, nhưng cũng đòi hỏi phải lựa chọn kỹ càng vật dụng và không gian tương ứng để tránh "khập khễnh".
Sàn nhà màu ấm như xanh sẽ tạo cảm giác dễ chịu. Ảnh: Pimp |
Xét riêng về mặt kiến trúc và phong thủy, sàn nhà kinh tế là sàn ít làm cho chủ nhà hao công tốn của trong quá trình sử dụng và bảo trì, giảm thiểu thời gian chăm sóc, ít ngóc ngách, khe nối hay "lên bờ xuống ruộng" nhiều gây trở ngại cho người sử dụng. Sàn nhà đạt tính kinh tế còn phải tạo quan hệ tốt với các thành phần khác trong không gian như tính đồng điệu (hoặc tương phản) về màu sắc, chất cảm bề mặt và tương tác khi sử dụng. Ví dụ như sàn một gian bếp có thể lát gạch mờ khổ lớn, màu sậm với giàn tủ bếp kiểu không chân để dễ dàng lau chùi.
Sự hài hòa về âm dương, ngũ hành và cảm nhận của người sử dụng sẽ đem lại thẩm mỹ chung, chứ không phải là vẻ đẹp của riêng một viên gạch nào. Chẳng hạn như phòng ngủ dùng sàn gỗ hay gạch màu ấm, màu thuộc hành Mộc, Thổ hay Thủy (các dải màu của vàng, xanh lá cây, xanh dương) được phối nhẹ nhàng sẽ tạo cảm giác dễ chịu. Còn nếu dùng màu sàn thuộc hành Hỏa (đỏ, hồng, cam) sẽ gây nóng nực hay hành Kim (trắng và xám) gây cảm giác lạnh lẽo. Sàn Kim hợp với không gian làm việc, văn phòng.
Nhiều người muốn sàn nhà phải sạch nên ưa dùng màu sậm, và mặc dù sàn nhà thuộc âm và luôn là màu đậm hơn so với tường hay trần nhưng vẫn phải đảm bảo độ ánh sáng nhất định. Những sàn nhà có màu đen hay đỏ sậm hầu như chỉ dùng ở không gian công cộng, showroom hay quán xá. Yếu tố phản chiếu dương quan cũng cần chú ý. Nếu sàn nhà bóng quá có thể gây lấp lánh, tạo ảo giác như một tấm gương nằm ngang sẽ không hợp điều kiện nhà ở.
(Theo Nhà Đẹp)