Nhiều ngày gần đây, trong một số nhóm lớn trên facebook, cư dân mạng đang "đua nhau" chia sẻ những bức ảnh về kiểu lắp điều hòa "một công đôi việc", đục một lỗ lớn trên bức tường chung giữa hai căn phòng và lắp điều hòa vào giữa. Rất nhiều người sử dụng cho rằng đây là cách tiết kiệm điện khá hiệu quả.
Chưa đến đợt nóng đỉnh điểm, dân mạng đã thi nhau chia sẻ mẹo lắp điều hòa "xuyên tường" được cho là rất tiết kiệm điện.
Nhiều thành viên trong một nhóm lớn trên facebook còn chụp lại ảnh điều hòa nhà mình và cho biết lắp như vậy rất mát.
Nhiều người tỏ ra ủng hộ "cao kiến" khá hay ho này vì cho rằng, vừa đỡ tiền mua thêm một cái điều hoa cho phòng bên cạnh, vừa mát mẻ cho cả hai phòng. Tuy nhiên, số khác lại cho rằng lắp kiểu này thì chỉ có "ném tiền điện qua cửa sổ mà thôi".
Vậy thực hư hai mặt được - mất của cách lắp đặt điều hòa này như thế nào, có tiết kiệm điện như nhiều người đồn đoán?
Xét về ưu điểm
Có thể dễ dàng nhận thấy, ưu điểm của việc lắp điều hòa "một được hai" này là việc chúng ta sẽ chỉ phải chi tiền sắm một cái điều hòa mà không phải mua hai cái để lắp cho cả hai phòng. Thêm vào đó, lắp một cái thì chi phí lắp đặt, sửa chữa nếu có hỏng hóc và phí bảo trì định kỳ sẽ rẻ đi một phần.
Xét về nhược điểm
Ưu điểm nghe thì có vẻ "hời" vì tiết kiệm được gần chục triệu mua thêm một cái điều hòa, nhưng nếu biết được những nhược điểm của cách lắp điều hòa trên, chắc chắn bạn sẽ thấy tiếc.
Khi lắp một điều hòa dùng chung cho cả hai phòng, bạn sẽ phải mua máy có công suất lớn để có thể làm mát được cả hai phòng một lúc. Trên thực tế, giá một chiếc điều hòa công suất lớn không hề nhỏ, nếu tính ra, cũng không "được hời" hơn là mua hai chiếc công suất nhỏ là bao nhiêu.
Nếu lắp một điều hòa dùng chung cho cả hai phòng, bạn sẽ phải mua máy có công suất lớn để có thể làm mát được cả hai phòng một lúc.
Theo tìm hiểu trên thị trường, xét riêng điều hòa một chiều, giá của điều hòa công suất nhỏ (9000 BTU), với phạm vi làm lạnh tương đương 15m2 có giá dao động từ 5 triệu đồng đến khoảng hơn 10 triệu đồng (tùy hãng và chương trình khuyến mại hiện tại của hãng).
Trong khi đó, xét với diện tích lớn gấp đôi (hai phòng) là 30m2, một chiếc điều hòa phù hợp với công suất lớn (18.000BTU) có giá từ hơn 11 triệu đến khoảng 20 triệu đồng, loại đắt hơn cũng có. Có thể thấy, thay vì phải mua một chiếc điều hòa công suất lớn với giá cao, thì bạn hoàn toàn có thể mua hai điều hòa công suất nhỏ với giá rẻ hơn để lắp riêng ở hai phòng, hiệu quả làm mát cũng tốt hơn nhiều.
Thêm nữa, khi xét về độ làm lạnh, thì lắp điều hòa kiểu "xuyên tường" như vậy không thể làm mát đều cả hai phòng. Thông thường điều hòa sẽ được lắp vào chính giữa phòng để làm mát đều và nhanh chóng, luồng gió sẽ dễ dàng lan tỏa ra mọi góc phòng. Tuy nhiên, khi bị lắp chắn qua một bức tường như vậy, luồng gió lạnh sẽ bị cản trở một phần (bức tường chung hai phòng càng dày thì độ cản trở càng lớn), và phải tỏa từ góc phòng gần bức tường ra, quá trình làm mát sẽ lâu hơn.
Lắp điều hòa kiểu "xuyên tường" như thế này không thể làm mát đều cả hai phòng.
Nhiều người đã lắp kiểu này còn hào hứng cho biết, bức tường giữa hai phòng nhà mình do được ốp gạch bông, nên khi bật điều hòa, tường trở nên mát lạnh hơn hẳn vì nằm đúng giữa luồng gió, nhiều khi chỉ cần ôm tường cũng đã thấy "sung sướng" lắm rồi.
Thế nhưng chính vì bức tường này, mà quá trình làm mát cả căn phòng sẽ chậm hơn, điều hòa sẽ phải chạy liên tục để đạt được nhiệt độ, nguy cơ tốn thêm điện, điều hòa nhanh "giảm thọ" lại càng tăng cao. Không những vậy, nếu một phòng không có nhu cầu sử dụng mà điều hòa vẫn phải làm mát cả hai phòng, thì bạn đang vô tình "ném tiền điện qua cửa sổ".
Có thể thấy, cách lắp điều hòa "xuyên tường" như nhiều người đã chia sẻ, ưu thì ít mà nhược thì nhiều, tốt nhất nếu có hai phòng cần lắp điều hòa, bạn hãy lắp mỗi phòng một cái để có thể tiết kiệm điện về lâu dài. Có thể tham khảo cách tính công suất làm lạnh cần thiết cho điều hòa theo diện tích phòng như bảng dưới đây để chọn mua được loại điều hòa phù hợp.