Thời gian qua có nhiều luồng thông tin phản ánh mức độ nguy hại của vạn niên thanh đến sức khỏe cũng như phong thủy của gia đình. Một số nhà lập tức vứt bỏ những chậu vạn niên thanh đang khỏe mạnh trong nhà vì sợ nguy hiểm cho mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Thực hư thông tin này như thế nào?
Ưa cây vì ý nghĩa
Vạn niên thanh là loài cây thân mập, tròn cao từ 0,5 -1m, có các vòng sẹo do lá rụng để lại. Lá vạn niên thanh tập trung ở đầu cành, có hình bầu dục thuôn nhọn đầu mở rộng ở gốc hình tim, cuống mập có bẹ ôm thân. Lá cây có màu xanh bóng dày, gân lông chim nổi bật các đốm trắng vàng. Cây Vạn niên thanh được nhiều gia đình ưa chuộng và thường dùng trang trí trong nhà bởi có tán lá đẹp, dễ dàng đặt ở bất cứ vị trí nào vì cây nhỏ và dễ chăm sóc.
Các loài vạn niên thanh được sử dụng rộng rãi trong trang trí, tiểu cảnh sân vườn với nhiều ưu điểm và ý nghĩa. Trong phong thủy, việc sử dụng loại cây này chứng tỏ người chủ có đầu óc khoa học, yêu ghét phân minh, càng thích hợp cho người làm trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, đầu tư chứng khoán hay mở mang thị trường mới, lĩnh vực mới.
Cây vạn niên thanh sống lâu năm mà vẫn xanh tốt, mùa đông lá không héo úa nên được coi là loài cây mang ý nghĩa cát tường, sử dụng rộng rãi. Dùng vạn niên thanh trong ngày lễ tết là ngụ ý sung túc tốt đẹp, trong việc hôn nhân là cầu chúc như ý, trong lễ mùng thọ là để chúc sống lâu.
Gần 10 năm trở lại đây, vạn niên thanh ít được ưa chuộng
Tuy nhiên trong thời gian gần đây, các nhà nghiên cứu lưu ý không nên trồng cây vạn niên thanh trong nhà, đặc biệt là phòng ngủ vì cây có chất độc. Khi vô tình bị dính nhựa cây sẽ bị bỏng rát. Nếu trót lây vào mắt dễ bị ảnh hưởng giác mạc.
Chuyên gia nói gì về loài vạn niên thanh
Theo ông Nguyễn Nguyên Cương - Giám đốc Trung tâm Giáo dục & Truyền thông Môi trường cho biết, vạn niên thanh chỉ được ưa chuộng rộng rãi hơn 10 năm trước. 10 năm trở lại đây loài cây này ít được yêu thích vì bản thân nó có một số chất gây hại.
Độc chất của cây vạn niên thanh chính là calcium oxalate. Độc chất calcium oxalate phân bố trong các bộ phận của cây và chủ yếu trên lá. Khi nhai lá, ăn lá sẽ gây ra bỏng rát niêm mạc miệng, da. Nếu tiếp xúc với nhựa từ lá có thể gây dị ứng da, bỏng miệng, cứng miệng, nghẹn họng và khó thở. Vạn niên thanh tuy có độc nhưng chỉ ở một chừng mực nhất định nếu nuốt phải hoặc bị dính mủ cây với lượng lớn chứ không gây chết người cực nhanh như tin đồn.
Ông Cương lưu ý thêm, bất kỳ loại cây hoặc hoa trồng trong nhà không nên mạo hiểm ăn thử. Trong gia đình có trẻ em dưới 6 tuổi lưu ý không cho trẻ hái, nhai, nuốt lá hoặc hoa các loại cây này, rất nguy hiểm.