Nhà cải tạo mới nhưng mẹ muốn vẫn giữ lại không gian cũ, người già, mấy chục năm trú ngụ ở đó, cảm giác thân quen sẽ dễ chịu hơn cả sự tiện nghi. Bởi vậy, nhà mới không tân kỳ, không hiện đại, không có bản vẽ thiết kế cũng không trang bị vật chất đắt tiền, nhưng mang lại một không khí mà không có gì có thể đổi được.
Ngôi nhà được làm từ gạch cũ xếp lên rất công phu. Kiến trúc được hấp dẫn bằng vật liệu. Một góc ngôi nhà của mẹ.
Tuy sống cùng trên một khuôn đất nhưng mãi đến khi các con an cư, lập thất trong từng cơ ngơi riêng của mỗi người thì mẹ mới bắt đầu tu bổ ngôi nhà của mình. Căn nhà cũ của mẹ khi trước có ba gian, gian chính là nơi thờ tự, gian phụ dành để tiếp khách, bếp và chỗ nghỉ ngơi của mẹ ở gian sau còn lại. Phải nói thêm rằng, tuổi thọ căn nhà này cũng đã mấy chục năm và hầu hết năm anh em, ai cũng có khoảng thời gian sống dưới mái nhà của mẹ, ăn cơm ở căn bếp của mẹ cho đến khi có gia đình hoặc ra riêng. Căn nhà gỗ cũ nhưng không hề bạc màu năm tháng bởi bên ngoài dây thằn lằn leo kín, phủ từ mái nhà xuống đất, trải qua hàng hiên, quanh năm một màu xanh dịu mát. Nhưng đến lúc cũng phải sửa lại để an toàn hơn trong những ngày mưa bão, để tiện nghi hơn trong lúc tuổi già.
Nhà sửa xong mẹ vui lên hẳn, bà cũng tự hào căn nhà bà hài lòng nhất chính là căn nhà do các con xây cho. Với tất cả những người con, mẹ lúc nào cũng vĩ đại, tình yêu vô bờ, nhưng chưa bao giờ bà đòi hỏi sự đền đáp.
Khu đất 5.000m2, ở đó các con làm nhà chung quanh, chính giữa là căn nhà bố mẹ, giống như nguồn gốc của sự sống được sinh ra từ cuống rốn. Tôi đã nhiều lần đứng từ trên cao nhìn tổng thể khu nhà nhưng không thể nhận diện đâu là kiến trúc của khu này cho đến một buổi chiều mưa, kiến trúc tổng thể bỗng hiện ra rõ ràng như một bản vẽ thu nhỏ. Đó chính là sự an hoà giữa những mái nhà cao thấp, là linh hồn và tình cảm của từng gốc cây, từng phiến đá hiện diện từ rất lâu đời, các vật thể tồn tại ở đó rất có duyên như thể chúng sinh ra chỉ để đặt ở vị trí đó, thế mà hình thành không gian sống hài hoà.
Suy cho cùng kiến trúc cũng chỉ là một phương tiện mang lại sự tiện nghi, vật chất để phục vụ cho tinh thần. Mà xét đến tinh thần tổng thể của một công trình kiến trúc thì rất khó diễn đạt bằng từ ngữ bởi nó không còn là vật chất hay ý thức nữa, nó đã thành cái hồn, chỉ có thể cảm nhận, không thể nắm bắt bằng định nghĩa.
Công trình của đại gia đình kéo dài đến nay gần mười năm và ngày càng hoàn thiện, tình cảm gia đình ngày càng dày lên theo thời gian cùng với rong rêu, cây cối ngày càng nhiều tuổi.
Điều tự hào của cả nhà chúng tôi là tuy không giàu vật chất nhưng giàu bạn bè. Bằng hữu khắp nơi, từ già đến trẻ, từng thân đến sơ đều được đón tiếp với một tình cảm gia đình rất chân thành của người miền Trung. Mỗi người khách đến để lại một tình cảm như gieo một hạt giống trong khu vườn, không tiền nào có thể mua được.
Nhà năm anh em, cháu mười mấy đứa, hiếm người thoát khỏi vòng vây đô thị, nhưng mỗi khi rảnh rỗi về quê là dành hết thời gian ở nhà và cả nhà quây quần bên nhau. Đó cũng là đặc trưng nền văn hoá Á đông, tôi nghĩ đó là nền tảng để xã hội tốt đẹp hơn. Điều cuối cùng là mong bố mẹ hạnh phúc tuổi già, rất đơn giản và không phải là vật chất.
Sân cát 300m2, cây me cổ thụ, giếng cũ làm không gian khu vườn thông thoáng.
Không gian giống bức tranh quê đồng bằng Bắc bộ.
Bài trí trong nhà không phải là những vật dụng đắt tiền nhưng hợp lý, tình cảm và đầy sáng tạo.
Góc trang trí dưới chân cầu thang.
Xung quanh nhà, không khí làng quê thật ấm cúng.