Không gian xanh khắp nhà
Chia sẻ lý do trồng rau sạch, chị Bùi Thương (29 tuổi, TP.Hồ Chí Minh) cho biết: “Mình quê Đồng Nai, lấy chồng và sinh sống ở Sài Gòn. Thi thoảng, mình có thèm những món ăn mang hương vị quê, nhưng trong này rất hiếm bán. Vì vậy, mình quyết định dành thời gian trồng rau củ mang đặc trưng miền sông nước Tây Nam Bộ để có thể tự tay chế biến các món ăn quê. Đồng thời, mình cũng muốn bữa ăn của gia đình luôn được đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Khu vườn trên sân thượng của gia đình chị Thương rộng chừng 40m2, gồm sân trước và sân sau. Sân trước, chị trồng các loại rau ăn lá như xà lách, rau muống, cải bẹ xanh, cải bẹ ngọt, cải đuôi phụng,… Còn, sân sau chị trồng cây ăn quả như cà chua, khổ qua, dưa leo,…
Chị Bùi Thương rạng ngời trong khu vườn rau sạch trên sân thượng của gia đình
Ngoài trồng rau quả trên sân thượng, chị Thương có thiết kế 1 góc không gian xanh dưới tầng 1 làm café sân vườn. Tại đây, chị trồng những loại cây như trầu bà, các loại dương xỉ,… Chị cho hay, không khí Sài Gòn rất ngột ngạt. Chị cố gắng tận dụng khoảnh vườn 8m2 để trồng cây lọc không khí, tạo không gian sống trong lành, thoái mái cho cả gia đình.
Tự tay thiết kế mọi thứ
Thời gian đầu trồng rau, chị Thương sử dụng thùng xốp xin được làm kệ chứa đất. Tuy nhiên, đặt thùng xốp dưới mặt sàn không thể vệ sinh sạch sẽ, ứ đọng nước gây ẩm mốc nên chị đã chuyển qua khay trồng.
“Sau thất bại, mình đã nghiên cứu làm kệ 3 tầng vừa thêm không gian chậu vừa tạo thẩm mĩ đẹp cho khu vườn. Hiện tại, mình đặt ở sân trước 45 khay trồng rau ăn lá. Ở sân sau, mình trồng dưa leo, mướp đắng bằng thùng earthbox (kết hợp thổ thủy) để hạn sâu bệnh, cung cấp chất dinh dưỡng cho cây”, chị kể.
Sân trước trên tầng thượng, chị đặt tất thảy 45 khay trồng rau ăn lá
Với mỗi loại rau quả, chị Thương có phương pháp trồng và chăm sóc khác nhau. Chị cho biết, sau khi gieo trồng cây con được khoảng 10cm, chị sẽ tách ra khay trồng. Mỗi tuần, chị tưới 2 lần phân cá, 1 lần phân rác để cây phát triển tốt và cho lá xanh mượt. Riêng cây ăn trái, khi lớn cần cắt tỉa bớt lá ở phần gốc giúp rễ thông thoáng, hạn chế sâu bệnh
CÁCH LÀM PHÂN CÁ, PHÂN RÁC:
- Phân cá
Nguyên liệu:
- Đầu và ruột cá nước ngọt.
- Bình nước suối 5 lít.
- Chai E.M.
- Rỉ mật hoặc đường vàng.
- 2 viên tiêu hóa, 2 gói Probio.
- Vỏ hoặc cùi trái dứa.
Cách làm:
- Bỏ đầu và ruột cá vào bình nước. Sao đó, cho 3 nắp E.M, 3 nắp rỉ mật vào bình nước. Ngoài ra, cần khoét 1 lỗ nhỏ trên nắp bình để tránh nổ khi phơi nắng 5 ngày.
- Xay vỏ trái dứa, vắt 2 chén nước cốt trộn cùng 2 viên tiêu hóa, 2 viên Probio cho vào bình cá phơi nắng trên. Mỗi lần tưới cho rau, pha 2 nắp phân cá với 10 lít nước sạch.
Lưu ý: Khi ủ, phải đậy kín không có ruồi muỗi bay vào.
- Phân rác
Nguyên liệu:
- Bình nước 19 lít.
- Nấm trichoderma.
- Lá rau, vỏ trứng, trái cây hư, bã đậu nành.
Cách làm:
Bỏ các loại rác rau, vỏ trứng, trái cây hư , bã đậu nành vào thùng và rắc nấm trichoderma. Khi nào thùng có nước thì lấy ra tưới, đặc biệt, phân phải có mùi dưa cải mới thành công.
Hãy cùng ngắm nhìn vườn rau sạch trên sân thượng của gia đình chị Thương:
1 góc trồng đủ loại rau sạch của chị Thương
Chị Thương phân chia các kệ rau rất khoa học và hợp lý
Rau cải ngọt xanh tốt, lá to đẫm mình trong ánh nắng
Bên cạnh đó, chị có trồng thêm 1 số loại cải khác
Chị còn tận dụng bình nước to trồng 1 số loại cây rau gia vị
Hành lá, rau thơm được trồng trong chai nước có đục lỗ
Cà chua chín đỏ rực màu hút mắt người thưởng thức
Xà lách xum xuê lá non xanh tươi
Chỉ cần nhìn, ai cũng muốn "nuốt sống" chỗ rau này
Chị Thương có trồng nhiều loại rau mang đặc trưng vùng sông nước miền Tây
Đủ các loại rau được chị Thương thu hoạch sau vụ gieo trồng
Dưới tầng 1, chị Thương còn trồng cây lọc khí tạo không gian cafe vườn
Hàng rào sắt có gắn những chậu trồng dạ yến thảo và...
...hoa mười giờ hoặc cây dây leo