Tuy nhiên bạn bè ghé chơi mỗi người một ý nhưng chung quy đều khuyên nên đập nhà cũ đi làm mới để tốt hơn về phong thuỷ, vì kiểu dáng nhà cũ không hợp thời, sợ làm ăn không khá.
Họ dẫn chứng nhiều ngân hàng hay quán xá hiện nay khi thuê nhà kinh doanh cũng phải sửa lại mặt tiền, thậm chí làm rất hoành tráng thì mới thu hút được khách. Chúng tôi đang phân vân quá, vì không lẽ để hợp phong thuỷ phải “đại phẫu” toàn bộ nhà mình vậy sao?
Võ Ngọc Tước, P.17, Q. Bình Thạnh, TP.HCM
Khu vực có quy hoạch ổn định, mẫu nhà đồng bộ luôn đem lại trường khí tổng thể tốt hơn, thay vì mỗi nhà đua chen phô trương khác biệt.
Thông tin, truyền tụng về phong thuỷ có rất nhiều nhưng chọn lọc, áp dụng ra sao luôn là điều không đơn giản. Với sự giúp sức của nhà chuyên môn, mỗi gia chủ cần xem trọng khâu khảo sát ban đầu và trang bị đủ kiến thức để vượt lên trên những đồn đại mang màu sắc mê tín. Ta thường nghe nói đến ngũ hư và ngũ thực (5 điều dở và 5 điều lợi) khi bố trí phong thuỷ. Đây là những quy định mang tính cơ bản để mỗi ngôi nhà dù rộng hẹp lớn bé cũng cần chú ý nhằm giảm các sai lệch cũng như tăng các thuận lợi cho không gian sống. Ngũ hư và ngũ thực là hai mặt đối lập của một vấn đề, tránh được ngũ hư cũng là tạo được ngũ thực. Cụ thể ngũ hư như sau:
1. Nhà không tương xứng với nhân khẩu, nhà ở lớn mà người ít hoặc ngược lại.
2. Nhà không tương xứng với hệ thống cửa (nhà nhỏ mà cửa lại lớn, hoặc ngược lại).
3. Tường vây (hàng rào) và bao cảnh chung quanh không hoàn thiện, không bảo vệ che chở được cho nhà, hoặc ngược lại, quá bít bùng ngăn cách với môi trường.
4. Bếp và giếng nước không đúng phương vị theo trạch mệnh tương phối của gia chủ (vấn đề về thuỷ và hoả trong nhà).
5. Nhà và đất không tương xứng nhau (nhà lọt thỏm trong khu đất quá rộng hoặc nhà làm hết sạch đất, không còn khoảng trống để thở và thoát hiểm).
Khi nhà thuần tuý để ở thì cách làm ẩn náu trong môi trường bao cảnh tươi xanh luôn tốt về phong thuỷ hơn là phô trương hình thức mặt ngoài.
Khi nhà thuần tuý để ở thì cách làm ẩn náu trong môi trường bao cảnh tươi xanh luôn tốt về phong thuỷ hơn là phô trương hình thức mặt ngoài.
Có thể thấy việc đánh giá ngũ hư – ngũ thực xét về bản chất là tìm kiếm sự hài hoà chứ không phải là làm nhà cho hoành tráng, hoặc ngược lại quá đơn sơ, quá tính toán tận dụng quá mức. Và thật thú vị khi ngũ hư của phong thuỷ phương Đông lại khá tương đồng với các tiêu chí cần đạt đến của kiến trúc hiện đại mà khoa học phương tây đã đề ra: thích dụng – bền vững – kinh tế – thẩm mỹ. Từ cách bố trí tổng mặt bằng và không gian kiến trúc tương ứng với nhu cầu sử dụng, cho đến vấn đề bền vững và thẩm mỹ… ngôi nhà không thể tách biệt với bao cảnh, không thể lấy trang trí đẹp bù đắp cho hình thế xấu được.
Những chuyện tưởng chừng như thuần tuý kỹ thuật (hướng cấp thoát nước, bếp núc… thực sự lại là yếu tố hoàn thiện khó thiếu cho không gian cư ngụ. Tóm lại: tránh ngũ hư chính là hướng tới sự hài hoà trong quan hệ giữa ngôi nhà với con người, ngôi nhà với môi trường cư ngụ. Chính vì gắn bó với con người cụ thể (thuyết trạch mệnh tương phối) mà phong thuỷ phương Đông có sức hấp dẫn đặc biệt với các nhà nghiên cứu Tây phương hiện nay. Họ nhận thấy trong ngôi nhà của người phương Đông, nhất là nhà dân gian Việt Nam, Nhật Bản… yếu tố con người (tuổi của gia chủ, của các thành viên quyết định cách bố trí, ngày tháng xây nhà, dọn nhà…) luôn được xem trọng và làm nên sự khác biệt, không có ngôi nhà tốt hay xấu chung chung, mà là ngôi nhà hợp hay chưa hợp với đối tượng cư ngụ cụ thể.
Theo quẻ địa sơn khiêm trong kinh dịch thì chỗ nào cần cao nên làm cao, đáng phải thấp thì giữ cho thấp, chớ tham chi tiết mà lệch lạc tổng thể, lui vào trong, giữ thực chất mới được mọi việc hanh thông. Chuẩn thẩm mỹ của ngôi nhà truyền thống Việt Nam xưa nay chính là biết dựa vào thiên nhiên để được che chở, lấy vẻ đẹp bao cảnh (cây xanh, mặt nước) làm tôn lên vẻ đẹp công trình. Đây cũng chính là quan điểm kiến trúc sinh thái, kiến trúc bền vững đang là xu thế bắt buộc hiện nay trong lộ trình kế thừa truyền thống để hướng đến tương lai.
Tóm lại, nếu gia chủ xác định được mình có khả năng tài chính đến đâu, mức độ làm nhà để ở hay kinh doanh ra sao, hiện trạng nhà thế nào... thì mới có thể đề ra giải pháp chỉnh sửa tương ứng. Còn việc lâu nay ta hay thấy các doanh nghiệp thuê mặt bằng hay xây trụ sở làm hoành tráng lại thuộc về vấn đề khuếch trương thương hiệu của họ, cũng là một cách xác lập hình thế tương ứng với chiến lược kinh doanh. Nếu ngôi nhà của mình có chủ trương cho thuê (tức là người khác vào kinh doanh, mình không ở trong đó) thì thiết nghĩ không cần phải sửa chữa nhiều mà chỉ tạo các điều kiện cơ bản (điện nước đầy đủ, kết cấu an toàn) còn việc thiết kế trang trí sẽ do doanh nghiệp chủ động xử lý, có muốn làm trước cũng không được.