Dạ yến thảo luôn là một trong những loài hoa được yêu thích nhất. Chúng thuộc giống cây thân thảo, hoa dạng chùm, nhỏ xinh và rũ xuống mềm mại, có mùi thơm ngát. Cánh hoa có thể đơn lớp hoặc đa lớp, dạng gợn sóng với nhiều màu sắc rực rỡ như đỏ, tím vàng, hồng, trắng, tía…Đặc biệt, dáng rủ của dạ yến thảo sẽ giúp mềm hóa không gian. Những chậu hoa trăm màu khoe sắc cũng phù hợp với nhiều kiến trúc khác nhau, phù hợp với tất cả các không gian gia đình.
Thời điểm hiện tại khi thời tiết chuyển lạnh thích hợp nhất để trồng dạ yến thảo. Anh Vũ Đức Vượng, một người đam mê dạ yến thảo chia sẻ: “Mùa đông, thuận lợi cho việc trồng dạ yến thảo, bởi thời tiết dịu mát, không có nhiều đợt nắng kéo dài như mùa hè. Vì vậy, những ai có ý định trồng trang trí ban công nên chọn mùa đông. Đặc biệt, hạt giống gieo nên là hạt đời đầu tiên, không nhiễm sâu bệnh”.
Thềm dạ yến thảo nhà anh Vượng
Cách chọn chậu dạ yến thảo
Dạ yến thảo gồm 2 loại là dạ yến thảo kép và dạ yến thảo đơn. Cây kép có thân leo, hoa lớn với nhiều cánh, đường kính của hoa có thể lên tới 13 cm. Dạ yến thảo đơn là cây bụi, có rất nhiều hoa nhưng hoa chỉ có một lớp cánh, đường kính của hoa khoảng 5 – 7.5 cm, dễ trồng và ít bị ảnh hưởng bởi sâu bọ.
Nhiều người nghĩ chọn mua dạ yến thảo cũng như chọn mua các cây hoa truyền thống, là chọn mua cây lớn, cành lá sum xuê, hoa nhiều, nhưng chính cách chọn này làm giảm thời gian bạn được ngắm hoa. Mọi người không cần thiết phải chọn cây to, sai hoa, chỉ cần mỗi cây nở 1 vài bông, cây cành mập, khỏe, khoảng cách giữa cách cặp lá không quá 5-7cm.
Ở hầu khắp các chợ hoa, cây cảnh hay vườn ươm ở Hà Nội, bạn sẽ dễ dàng tìm cho mình những chậu hoa đủ loại sắc màu với giá cả chỉ giao động từ 120.000 đến 220.000 nghìn tùy vào độ lớn bé của chậu. Nếu là cây non trong bầu đất thì giá chỉ khoảng 40.000-60.000 đồng/bầu.
Cách chăm sóc dạ yến thảo
Dạ yến thảo rất mỏng mạnh khi còn là cây con nhưng khi cây đã trưởng thành thì cứng cáp hơn. Để cây lên đẹp, bạn cần chú ý về ánh sáng, nước, phân bón,...
- Ánh sáng
Dạ yến thảo là cây ưa nắng. Càng nhiều nắng thì hoa ra càng đẹp, càng rực rỡ thế nhưng lại dễ héo. Chậu dạ yến thảo nên để ở chỗ hứng nắng buổi sáng, tránh nắng buổi trưa và chiều.
- Nước
Dạ yến thảo cần nhiều nước nhưng không chịu được úng. Vì vậy, đất trồng cần tươi xốp và có lỗ thoát nước. Chậu trồng nên là chậu nhựa có nhiều lỗ thoát nước hoặc chậu xơ dừa, gỗ nhanh thoát nước. Về cách tưới nước, anh Vượng cho hay: “Thông thường, mình tưới nước cho cây vào buổi sáng và chỉ tưới thêm nếu thấy đất trên bề mặt chậu đã khô. Cây càng lớn hoặc thời tiết càng nắng nóng thì cây sẽ cần nhiều nước hơn. Mùa ẩm nên tưới nước ít hơn. Đặc biệt, không nên tưới vào buổi tối để tránh cây bị ướt sũng cả đêm, tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển”.
- Đất trồng
Đất là yếu tố đầu tiên và quan trọng trong việc trồng thành công của dạ yến thảo. Đất trồng phải đảm bảo độ sạch và thông thoáng, cần trộn đất với tỉ lệ: đất thịt = 30%, trấu hun = 35% và xơ dừa = 35%.
- Phân bón
Dạ yến thảo là loài hoa cần nhiều phân bón. Lúc cây còn nhỏ, cần bón phần NPK với tỉ lệ đạm cao để cây phát triển chồi. Thời kỳ có hoa, bón phân NPK với tỉ lệ kali cao và bón phân định kỳ từ 7-10 ngày/lần.
- Cắt tỉa
Dạ yến thảo là loài hoa đẹp nhưng rất dễ sinh bệnh như tối nhũn, ngọn và lá vàng, lá xoăn và bọ trĩ. Vì vậy, để hạn chế khả năng mắc bệnh, cần phun thuốc phòng bệnh định kì. Cứ 7-10 ngày phun thuốc ridomil 1 lần. Chị Huế, bà chủ của ngôi nhà phố núi ngợp sắc dạ yến thảo chia sẻ: “Ngoài thuốc ridomil, mình có thể sử dụng thuốc sinh học để kích thích sự phát triển của câu như tăng khả năng đâm nhánh, nở hoa to,…Hằng ngày, mình nhặt lá vàng không để lá thối gây nấm bệnh cho cây. Sau mỗi thời kỳ hoa nở, cần cắt ngọn để cây đâm ngọn mới và phát triển to hơn”.
Dạ yến thảo treo kín lan can nhà chị Huế ở Phú Yên (Sơn La)