Giếng trời nên được bố trí ở vị trí trung tâm của ngôi nhà, thuộc khu vực cầu thang để vừa trang trí, vừa tiết kiệm diện tích lại phát huy được tối đa các tính năng của giếng trời như thông gió và lấy sáng tự nhiên cho các phòng. Diện tích tuỳ thuộc vào quỹ đất của nhà. Thông thường, trong nhà lô phố, chỉ cần bố trí một giếng trời là đủ. Tuy nhiên, nếu nhà quá dài hoặc quá rộng lại chỉ có một mặt thông thoáng thì có thể bố trí hai giếng trời hay nhiều hơn.
Giếng trời làm cho các phòng sinh hoạt thông thoáng. |
Trang trí giếng trời có nhiều phong cách như mô phỏng tự nhiên với cây xanh, nước chảy, sử dụng các đồ trang trí theo hình khối, đường nét, đơn giản, sang trọng và cá tính. Với phong cách hiện đại, mảng tường có thể sử dụng những loại gạch lát, đá ốp ngẫu nhiên tạo hình hoa văn sống động hay những mảng màu sắc tuỳ theo thiết kế nội thất của ngôi nhà. Ngoài ra, cũng có thể sơn tường tạo thành những bức tranh trang trí độc đáo hoặc treo tranh, tượng gốm dân tộc. Phần sàn giếng có thể bày trí theo nghệ thuật sắp đặt với các hình khối, tượng hoặc kết hợp phong cách tự nhiên với tiểu cảnh sân vườn.
Với phong cách mô phỏng tự nhiên, có thể tạo một mảng tường xanh với cây dây leo. Có thể để cây leo tự nhiên hay sắp đặt sẵn lưới kẽm theo hình vuông hoặc oval để cây leo lên hoặc cũng có thể trồng những loại cây thả tự nhiên xuống tận tầng trệt hoặc tầng 2. Cần lưu ý chọn loại cây phù hợp, tránh rụng lá, nhiều côn trùng hoặc quá rậm rạp hay phát triển quá nhanh sẽ che lấp không gian lấy sáng và gió của giếng trời.
Trông cây xanh quanh khu vực giếng trời. |
Với mảng sàn nhà, nên bố trí tiểu cảnh nhỏ hoặc bể cá cảnh. Cần chọn những loại cây gọn gàng, không sum suê. Kết hợp độ cao thấp của các loại cây cũng sẽ tạo nên hiệu quả bất ngờ. Nếu chọn hoa, nên chọn hoa bền, không hút côn trùng như lan ý, ngọc trâm, hồng môn… Ánh sáng và gió trong giếng trời không nhiều, nên chọn những loại cây ưa bóng râm và không quá khó chăm sóc. Khi cây có biểu hiện phát triển lớn, hoặc không còn xanh tươi, nên thay cây mới để không gian giếng trời luôn mới mẻ, hạn chế côn trùng. Dù trồng cây trong chậu hay tạo bồn vườn cạn, nên rải sỏi và thường xuyên làm vệ sinh.
Nếu bố trí bể cá, hãy đảm bảo không gian diện tích giếng trời đủ rộng để không gây cảm giác tù đọng. Bờ bể cá phải cao để khi cá quẫy nước không vương ra sàn nhà. Nên nuôi các loại cá nhỏ, nhiều màu sắc uyển chuyển như cá vàng, kiếm, harmoni... Kết hợp hòn non bộ và các loại cây cảnh trồng trong nước, với hệ thống đèn chìm sẽ làm cho bể cá của bạn lúc nào cũng lung linh, thư giãn. Khu vực gần giếng trời có thể bố trí góc thư giãn cho gia đình, đặt chiếc ghế lười nằm nghỉ ngơi hoặc bộ bàn trà, hay khu vui chơi cho trẻ em tuỳ theo nhu cầu và sở thích của gia chủ.
KTS Nguyễn Mạnh Cường
Công ty CP Kiến trúc DMC Việt Nam