Lưỡi hổ là loại cây cảnh được nhiều người yêu thích vì nó rất dễ trồng, dễ chăm sóc và không cần phải tưới nước quá nhiều. Hơn nữa, cây lưỡi hổ còn có khả năng hút hơi nước, thanh lọc không khí trong nhà.
Xét về mặt phong thủy, lá cây mọc thẳng đứng, thể hiện sự quyết đoán và ý chí vươn lên của con người. Với dáng vẻ uy nghi từ thân đến ngọn, cây lưỡi hổ là biểu tượng cho sự uy quyền, danh gia vọng tộc. Ngoài ra, nhiều người tin rằng cây lưỡi hổ có tác dụng xua đuổi tà ma, chống lại những điều không may mắn, cho nên không ít người chọn trồng loại cây này trong nhà.
Nếu chăm sóc cây lưỡi hổ ra hoa được thì đây được cho là một điều tốt lành, gia chủ sẽ gặp được nhiều may mắn trong thời gian sắp tới, công việc, tài chính đều thuận lợi. Tuy nhiên, một số người yêu hoa nói rằng họ đã chăm sóc cây lưỡi hổ 3 năm mà cây vẫn giữ nguyên dáng vẻ như hồi mới mua về, không cao thêm, không mọc chồi mới chứ đừng nói là ra hoa khiến họ cảm thấy hụt hẫng.
Trên thực tế, có một “cơ quan ẩn” trên cây lưỡi hổ. Khi chúng ta mở nó ra, cây lưỡi hổ sẽ mọc lên rất nhiều chồi cùng một lúc mà không cần tốn công sức. Vậy cơ quan đó nằm ở đâu?
Cơ quan ẩn này nằm ở rễ của cây lưỡi hổ. Trước hết, bạn cần phải quan sát kỹ đất trồng trong chậu xem bộ rễ của cây lưỡi hổ có bị vùi sâu quá hay không.
Nếu rễ nằm sâu dưới đất, bạn hãy dùng một chiếc xẻng nhỏ, nhẹ nhàng đào dọc theo phần thân để bộ rễ lộ ra ngoài một chút. Để bộ rễ lộ ra khoảng 2-3 cm là được, bởi nhiều quá có thể làm hỏng bộ rễ của cây. Việc này sẽ làm tăng độ thoáng khí, giúp bộ rễ có thể “thở” tự do được. Nếu nhiệt độ môi trường thích hợp, sau khoảng 1 tháng chồi mới có thể bung ra, mọc không dừng lại được.
Đây thực sự là "cơ quan ẩn" của cây lưỡi hổ, cho phép rễ của nó tiếp xúc với ánh sáng và không khí, có thể đóng vai trò thúc đẩy mọc chồi mới. Sau khi chồi mọc được vài cm, bạn có thể tách những mầm nhỏ ra khỏi chậu sớm, giúp chậu cảnh đẹp hơn! Đồng thời, thỉnh thoảng bạn nên xới đất trong chậu để đất không bị nén chặt, tăng độ thoáng khí cho đất, giúp cây lưỡi hổ phát triển mạnh.
Cây lưỡi hổ chịu được khô hạn nên bạn không cần phải tưới nước quá thường xuyên, chỉ cần giữ cho đất ẩm là được. Tưới quá nhiều nước sẽ khiến lá bị nhạt màu, thậm chí cây dễ bị thối rễ và chết.
Vào mùa thu, bạn nên bón nhiều phân lân và phân kali hơn để nâng cao khả năng chịu rét của cây. Vào mùa hè và mùa đông thì nên ngừng bón phân.