Nhiều người vì yêu say đắm vẻ đẹp của hoa hồng mà rước đủ loại về trồng trong vườn nhà mình, dù ban công nhỏ cũng phải bon chen vài chậu. Quả thật hoa hồng có rất nhiều màu sắc và chủng loại, mỗi loại mười phân vẹn mười.
Tuy nhiên dù đó là loại hoa hồng gì, hồng ngoại hay hồng cổ, hồng leo,… thì chúng đều có chung một “công tắc tăng trưởng”. Nếu bạn biết cách “bật” công tắc đó lên thì cành lá sẽ phát triển mập mạp, số lượng hoa sẽ nhân đôi, càng trồng lâu năm cây càng tràn đầy sức sống.
Vậy đâu là “công tắc tăng trưởng” của hoa hồng? “Công tắc” này chính là chồi nách của cây hoa hồng. Trên thực tế, từ tháng 5 đến tháng 6 hàng năm, từ trên thân hoa hồng thường mọc ra chồi nách. Nếu chúng ta giữ lại chồi này thì chẳng khác gì đã bật công tắc sinh trưởng cho cây, nhờ đó tốc độ sinh trưởng của cây sẽ nhanh hơn.
Số lượng chồi nách bên thân càng nhiều, đồng nghĩa với việc tỷ lệ nụ hoa càng nhiều, nhờ đó số lượng hoa hồng sẽ tăng gấp đôi. Vì vậy, những người yêu hoa không nên cắt chồi nách này đi để hoa hồng phát triển tốt hơn.
Thay vào đó, bạn nên uốn cành hồng có xu hướng mọc lên trên nằm ngang ra để kích mầm cho các mắt ngủ, từ đó cây sẽ mọc ra nhiều nhánh mới hơn. Cụ thể, bạn hãy dùng dây buộc vào phần ngọn của hoa hồng, đầu dây còn lại buộc vào một viên gạch nhỏ rồi đặt dưới đất để định hình cành cây. Bằng cách này, phần gốc sẽ nhận được nhiều ánh sáng hơn, giúp cây tổng hợp thêm chất dinh dưỡng, kích thích mọc chồi mới.
Ngoài ra, bạn nên cắt bỏ những cành tăm, tức những cành nhỏ yếu, không thể ra hoa. Nếu cứ giữ lại, chúng sẽ làm tiêu hao chất dinh dưỡng của cây một cách vô ích, tăng khả năng cây bị sâu bệnh hơn. Loại bỏ những cành tăm càng sớm càng tốt sẽ giúp tập trung chất dinh dưỡng cho những cành đang phát triển tốt, rất có lợi cho việc ra hoa.
Một số lưu ý khác khi chăm sóc hoa hồng vào mùa hè
- Nhiệt độ
Chúng ta đều biết rằng vào mùa hè nhiệt độ tăng cao, nắng nóng và oi bước. Trong khi đó, nhiệt độ sinh trưởng thích hợp của hoa hồng là từ 15 đến 28 ° C.
Vì vậy vào mùa hè, sự sinh trưởng của hoa hồng sẽ bị ảnh hưởng, chẳng hạn như tốc độ sinh trưởng sẽ trở nên chậm lại. Lúc này bạn cần che nắng cho hoa hồng, bạn cũng có thể phun thêm nước xung quanh lá để giảm nhiệt độ môi trường xung quanh và tăng độ ẩm.
- Tưới nước
Việc tưới nước cho hoa hồng vào mùa hè rất quan trọng. Trước thời kỳ ra hoa bạn không nên tưới quá nhiều, mỗi lần tưới nên quan sát đất trong chậu hoa, khi đất còn ẩm thì không nên tưới nước, khi bề mặt đất chậu khô thì hẵng tưới nước.
Mùa hè nóng bức, bạn nên tránh tưới nước cho cây vào buổi trưa. Tốt hơn hết nên tưới vào sáng sớm hoặc chiều mát để tránh cây bị sốc nhiệt.
- Bón phân
Nếu bón phân cho hoa hồng quá mức vào mùa hè sẽ dễ khiến cây bị cháy. Tốt hơn hết bạn nên hạn chế bón phân hóa học, các loại phân bón nhiều đạm để tránh làm cây mất cân bằng dinh dưỡng. Bón phân với lượng vừa đủ, nên rải xa gốc tầm 10cm hoặc pha loãng với nước tưới nếu dùng phân hóa học.