Nếu bạn hỏi nên trồng hoa gì, cây gì ở ban công hay trong vườn mà vừa bắt mắt vừa dễ chăm sóc thì trong danh sách không thể thiếu hoa hồng và cẩm tú cầu. Cẩm tú cầu thì thấp hơn so với hoa hồng, nhưng thời gian ra hoa dài, chịu được bóng râm, ít bị sâu bệnh, khá dễ chăm sóc và màu sắc hoa cũng phong phú. Do đó, nếu ban công nhà bạn nhỏ và ít nắng, bạn cũng có thể trồng cẩm tú cầu.
Khi nở hoa, những bông hoa nở to như cái bát, màu sắc rực rỡ sẽ trở thành điểm nhấn cho ban công hay khoảng sân nhỏ. Mùa xuân là thời điểm sinh trưởng của cẩm tú cầu, việc bạn chăm sóc cây thế nào vào thời điểm này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc ra hoa của cây.
Và, có một điều bạn không nên bỏ qua là thay chậu cho cây khi chồi mới nhú vào mùa xuân. Nếu một năm hoặc hơn một năm không được thay chậu, cây sẽ phát triển còi cọc. Việc thay chậu sẽ giúp cây phát triển tốt hơn, ra hoa nhiều hơn.
Sở dĩ như vậy vì hệ thống rễ của hoa cẩm tú cầu phát triển khá nhanh, chỉ mất vài tháng là rễ có thể bao phủ toàn bộ chậu hoa. Nếu chậu hoa quá nhỏ hoặc chậu quá nông, bạn cần thay thế bằng chậu hoa có kích thước lớn hơn chậu trước.
Chậu hoa lớn hơn sẽ chứa được nhiều phân bón và chất dinh dưỡng trong đất hơn, nhờ đó rễ cây có đủ không gian để phát triển, đồng thời đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của cây. Bằng cách đó sẽ đẩy nhanh tốc độ sinh trưởng của cây cẩm tú cầu, giúp tăng số lượng hoa lên gấp 10 lần, hoa to bằng cái bát tô.
Lưu ý, khi thay chậu cho cẩm tú cầu cần chú ý đến nhiệt độ. Không nên thay chậu khi nhiệt độ quá thấp, chỉ nên thay chậu khi nhiệt độ trên 15 độ C.
Khi thay chậu, bạn cũng cần cẩn thận để tránh làm tổn thương bộ rễ, đồng thời phải bảo vệ những nụ mới để tránh ảnh hưởng tới số lượng hoa.
Hoa cẩm tú cầu không kén chọn phân bón, nhưng đất nghèo dinh dưỡng và đất quá cứng sẽ không có lợi cho sự phát triển của nó. Đất trồng hoa cẩm tú cầu nên là đất tơi xốp, thoáng khí, thoát nước tốt, giàu chất dinh dưỡng. Bạn nên trộn thêm một ít đá trân châu vào cùng một ít phân bón hữu cơ hoặc phân tan chậm vào đất trồng hoa.
Sau khi thay chậu, đặt chậu ở nơi ấm áp, có nắng dịu nhẹ, thoáng gió rồi tưới nước thật kỹ. Những ngày sau đó chỉ nên tưới nước khi thấy đất trong chậu khô.
Ngoài ra, để hoa cẩm tú cầu nở nhiều, bông to rực rỡ, hoa nở cả 100 ngày thì bạn nên chú ý tới những yếu tố sau đây:
- Bón đủ phân trước khi ra hoa
Kích thước của hoa cẩm tú cầu, hoa có sáng hay không và độ dài của thời kỳ ra hoa đều liên quan chặt chẽ đến quá trình bón phân trước khi ra hoa. Trước khi hoa nở cần bón phân có hàm lượng lân và kali cao, khoảng 7-10 ngày bón một lần. Bằng cách này, nụ hoa có thể nở nhanh và dự trữ đủ chất dinh dưỡng để duy trì thời gian ra hoa trong khoảng 100 ngày. Nếu không bón phân đầy đủ trong giai đoạn nụ, hoa sẽ nhỏ, màu nhạt, không cung cấp đủ chất dinh dưỡng thì hoa sẽ nhanh già và héo.
Vì vậy, nếu hoa cẩm tú cầu đang có nụ thì bạn phải chú ý đến việc bón phân, đừng vội nghĩ rằng chúng có thể nở hoa mà không cần bón phân. Đúng là hoa có thể nở mà không cần bón phân, nhưng thời kỳ ra hoa và chất lượng hoa không thể so sánh được với hoa được bón phân. Nhưng nếu hoa cẩm tú cầu đang trong giai đoạn đã nở hoa thì không nên bón phân, việc này không những không kéo dài thời gian ra hoa mà còn rút ngắn thời gian ra hoa.
- Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời kỳ ra hoa
Hoa cẩm tú cầu không chịu được ánh sáng mạnh, vì vậy trong thời kỳ ra hoa không nên để cây tiếp xúc với ánh sáng mạnh, nếu không hoa sẽ héo. Tuy nhiên, hãy cẩn thận không để hoa cẩm tú cầu ở nơi có quá ít ánh sáng trong thời kỳ hoa nở. Nếu ánh sáng quá yếu, cây quang hợp không đủ thì hoa sẽ héo sớm.
Tốt nhất nên đặt cây trong môi trường bóng râm hoặc ở những nơi nhận được ánh nắng yếu vào buổi sáng và chiều tối, nhiệt độ môi trường không quá cao. Nếu không có nơi thích hợp để hoa cẩm tú cầu phát triển, hãy che nắng từ 10 giờ sáng đến 4 - 5 giờ chiều cho cây.
- Tưới nước đúng cách
Khi hoa cẩm tú cầu nở rộ, chúng không thể bị khô hạn hay ngập úng. Hoa dễ bị héo, nhanh tàn do đất khô hạn. Ngập úng ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của rễ, có thể rút ngắn thời gian ra hoa, thậm chí là gây thối rễ, vàng lá.
Vì vậy, sau khi hoa nở chúng ta phải chú ý quan sát cây. Nếu thấy lá hơi héo vào buổi sáng hoặc chiều tối thì nên tưới nước kịp thời. Nếu lá và hoa trông bình thường và không rũ xuống thì đừng tưới nước.
Tốt nhất không nên tưới nước lên lá và hoa của hoa cẩm tú cầu trồng trong nhà trong thời kỳ ra hoa, nếu không dễ khiến hoa bị bệnh và côn trùng tấn công.
- Thông gió hơn
Giống như các loại hoa và cây trồng khác, thông gió là bí quyết để hoa cẩm tú cầu tươi lâu. Khi thông gió tốt, hoa cẩm tú cầu phát triển tốt, không bị sâu bệnh, hoa có màu sắc rực rỡ, trao đổi chất mạnh nên nở đẹp hơn.
Nếu để trong môi trường kín gió thì dù có đẹp đến mấy hoa cũng sẽ bị héo sớm. Vì vậy, khi trồng hoa cẩm tú cầu cần phải có môi trường thông thoáng, thông gió, đặc biệt khi nhiệt độ cao thì việc thông gió là rất quan trọng.