Đỗ quả tương đối dễ trồng, là lựa chọn tốt đối với những người bắt đầu trồng trọt hoặc phát triển mùa vụ mới. Các cây họ đậu cũng có một mối quan hệ cộng sinh với vi khuẩn cố định, thực sự có khả năng cải thiện dinh dưỡng của đất trồng.
Dưới đây là các bước thực hiện chi tiết giúp bạn trồng đỗ quả thành công ngay từ lần đầu tiên:
1. Quyết định số lượng cây trồng
Số lượng được quyết định bởi yêu cầu không gian của loại đỗ quả bạn chọn. Nếu bạn trồng cây thành hàng, đảm bảo đủ không gian giữa các cây để chúng phát triển và dễ dàng chăm sóc, đặc biệt là loại đỗ dáng cao.
2. Chuẩn bị hạt giống
Bạn cần phải chuẩn bị hạt giống mới, tức là hạt giống vừa được lấy từ vụ mùa gần nhất. Bởi vì, hạt giống cũ sẽ rất khó nảy mầm và nguy cơ thất bại cao hơn.
Đôi khi, bạn có thể sử dụng hạt đỗ khô (hạt thành phẩm để chế biến thức ăn) để trồng cây nhưng cần phải kiểm tra xem có dùng được hay không. Ngâm hạt trong nước sạch 30 phút - 1 tiếng, sau đó vớt ra, đặt vào khăn ẩm và gấp kín lại. Giữ khăn ẩm từ 1 - 3 ngày. Nếu thấy những mầm nhỏ tách vỏ hạt nhô lên, đây là dấu hiệu tốt cho thấy chúng khỏe mạnh và sẵn sàng để bạn trồng.
Ngược lại, nếu chúng vẫn y nguyên như lúc đầu, tiếp tục ủ trong khăn ẩm thêm 1 - 2 ngày. Sau khoảng thời gian này, hạt không nảy mầm được thì phải bỏ đi và tìm nguồn hạt giống khác tốt hơn.
3. Chuẩn bị đất trồng
Có 2 nguồn đất trồng cho bạn chọn đó là đất hữu cơ (bán sẵn) và đất vườn. Đất trồng phải đủ độ ẩm, giàu chất dinh dưỡng. Tránh loại đất có thành phần chủ yếu là đất sét và cát.
Bản thân cây đỗ quả có thể tự tổng hợp Nitơ nên không cần cung cấp quá nhiều chất này thông qua phân bón. Nếu bón Nitơ vượt mức, cành lá của cây sẽ mập mạp, xum xuê nhưng khó đậu quả hơn.
4. Gieo hạt
Lấy ngón tay trỏ ấn nhẹ xuống đất tạo thành lỗ sâu khoảng 2 - 3 cm, gieo hạt giống xuống đất (1 hạt/1 lỗ) và lấp đất. Đổ nước vào lòng bàn tay rồi rắc trực tiếp lên chỗ vừa gieo hạt. Hạt giống cần 2 - 10 ngày để nảy mầm.
Ngay khi nhiệt độ vượt ngưỡng 16 độ C là đủ điều kiện để gieo hạt. Hạt giống có lớp vỏ càng xanh càng dễ nảy mầm hơn so với lớp vỏ màu nhạt hoặc màu trắng. Khoảng cách tối thiểu giữa các cây là 15 cm. Đừng trồng cây quá gần nhau vì chúng sẽ không có đủ không gian để sinh trưởng, dễ gây tổn thương cho nhau.
5. Dựng giàn leo cho cây
Hầu hết các giống đỗ quả đều là cây dây leo. Bạn sẽ cần một thứ gì đó để chúng leo như hàng rào, giàn, lưới mắt cáo... Tốt nhất, bạn hãy chuẩn bị sẵn giàn leo cho từng cây cùng thời điểm gieo hạt. Nó cũng giúp đánh dấu vị trí hạt giống của bạn.
6. Lên lịch tưới nước
Bạn phải tưới nước cho cây hàng ngày và tăng số lần tưới lên nếu đất khô. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng nhiều nước hoặc thiếu nước đều nguy hiểm như nhau. Kiểm tra đất trồng bằng cách ấn ngón tay của bạn vào đất từ 5 - 10 cm. Nếu đất ướt/nhão, bạn phải hạn chế nước tưới lại và nếu đất khô, bạn phải cung cấp thêm nước ngay lập tức.
Nên dùng bình tưới vòi sen để lượng nước trải đều. Không bao giờ dội nước trực tiếp lên chỗ gieo hạt vì chúng sẽ làm trôi đất và làm hạt bị thối.
7. Thu hoạch ngọn cây nếu muốn
Khi cây cao 10 - 15 cm, bạn có thể ngắt ngọn cây cao nhất nếu muốn và mang vào bếp để chế biến đồ ăn. Nhưng không được ngắt nhiều hơn. Ngắt ngọn cây là mẹo nhỏ để kích thích cây đẻ nhiều cành lá hơn.
8. Quan sát chúng sinh trưởng
Hoa sẽ bắt đầu xuất hiện sau một vài tuần cây nảy mầm. Hoa của cây đỗ quả có nhiều màu khác nhau như màu trắng, hồng và tím. Khi hoa khô lại, quả sẽ nhú lên rất nhanh.
9. Thu hoạch
Đỗ quả ăn được cả vỏ nên bạn hoàn toàn có thể thu hoạch từ khi quả còn non, chưa lên hạt. Thu hoạch quả mỗi khi cần, tốt nhất là trước khi chế biến để giữ được hương vị thơm ngon nhất.
10. Lấy hạt giống
Hãy để lại một vài quả trưởng thành hoàn toàn đến cuối mùa để lấy hạt giống và trồng mùa vụ mới vào năm sau.
Xem thêm Trồng rau sạch: