Phong lữ thảo là loài cây thuộc dạng thân thảo hoá gỗ, sống lâu năm và có nguồn gốc từ vùng Địa Trung Hải. Loài hoa này rất đa dạng màu sắc như đỏ tươi, hồng, tím,… và mỗi màu lại mang một ý nghĩa khác nhau.
Những năm gần đây, hoa phong lữ thảo ngày càng được ưa chuộng vì khả năng ra hoa mạnh, thời gian ra hoa kéo dài. Ngoại trừ mùa hè, các mùa khác trong năm cây đều có thể nở hoa nếu được chăm sóc đúng cách. Để phong lữ thảo phát triển khỏe mạnh, cây ra nhiều hoa và có hoa đẹp, trong quá trình bảo dưỡng bạn nhớ những chú ý sau đây:
1. Thay chậu vào mùa xuân và mùa thu là thích hợp nhất
Phong lữ thảo là loại cây phát triển nhanh và ra hoa nhiều nên cần nhiều chất dinh dưỡng, vì vậy bạn nên thay chậu và thay đất vào mỗi mùa xuân và mùa thu. Hãy chọn đất hỗn hợp tơi xốp, thoáng khí và màu mỡ để cây phát triển tốt.
Khi thay chậu, bạn nhớ rắc thêm một lớp phân bón lót dưới đáy chậu hoa. Bạn có thể dùng phân cừu, phân gà, phân thỏ đã hoai mục, giàu phốt pho và kali để tăng khả năng ra hoa. Ngoài ra, bạn có thể lót một ít than ở dưới đáy chậu để khả năng thoát nước tốt hơn, tránh tình trạng ngập úng cho cây.
2. Tưới cây ở dạng phun sương
Hoa phong lữ không quá kén điều kiện ánh sáng và nhiệt độ, bạn có thể trồng ở ban công, vườn nhà, hay trồng vào chậu và treo ở cửa sổ, mái hiên.
Vì có nguồn gốc từ vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, nên bạn không cần tưới nhiều nước cho cây phong lữ thảo để tránh úng rễ. Mỗi ngày chỉ cần tưới một lần khi thấy bề mặt đất đã se khô, tưới ở dạng phun sương để nước thấm từ từ vào đất, tránh gây tổn thương thân, rễ cây.
3. Bón phân hàng tháng để cây lớn nhanh hơn
Vì cây phát triển nhanh, số lượng hoa nhiều nên đương nhiên phong lữ thảo cần bón phân nhiều hơn. Khuyên bạn cứ sau 40-50 ngày nên vùi một ít phân hữu cơ vào chậu hoa hoặc 2-3 tuần bón phân tan chậm để bổ sung đạm, lân và kali, đáp ứng sự tăng trưởng cơ bản nhất cho cây.
Mỗi lần sau khi cắt tỉa, những cành còn sót lại cũng cần bổ sung phân lân và kali. Lúc này bạn nên pha dung dịch kali dihydro photphat tưới cho hoa khoảng 2 tuần/lần.
4. Thường xuyên cắt tỉa cành
Muốn cây không già cỗi nhanh, ngoài việc bón phân thường xuyên thì bạn cần phải học cách cắt tỉa cành. Sau mùa xuân hàng năm, bạn có thể cắt tỉa cây một lần để loại bỏ cành thừa, cành sâu bệnh, chết khô. Một số cành quá mảnh khảnh, hay lá vàng ở dưới gốc bạn cũng nên trực tiếp cắt bỏ.
Việc cắt tỉa cành không những giúp cây tập trung chất dinh dưỡng đi nuôi những cành khỏe mạnh, giúp cây sinh trưởng tốt mà còn có thể kích thích cây mọc chồi mới, ra hoa sớm, chất lượng hoa tốt hơn.