Trước khi làm Đại sứ tại Việt Nam, ông Abdallah O. Alarnosy từng công cán ở Iraq, Sudan, Brazil, Kuwait và Anh. Ông kể rằng tại mỗi quốc gia mà ông làm việc, không gian sống riêng của ông chính là nơi giúp mọi người hiểu biết thêm về văn hóa Ai Cập. Nhiệm kỳ 4 năm tại Việt Nam cũng vậy. Với ngôi nhà trong khu biệt thự cuối đường Tô Ngọc Vân, quận Tây Hồ, Đại sứ Alarnosy muốn thể hiện một không gian mang màu sắc phương đông. Ông Đại sứ biết cách chủ động yêu cầu các kiến trúc sư thể hiện những gì mình cần và cũng sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu những ý tưởng mà họ đưa ra để đạt hiệu quả cuối cùng là tạo sự trang trọng, lịch sự và đầy thân thiện, ấm cúng cho ngôi nhà.
Toàn bộ tầng 1 dành cho không gian sinh hoạt chung với phòng khách và phòng ăn rộng lớn. Ngăn cách giữa hai không gian mở này là sảnh thông tầng kết hợp với cầu thang lên tầng trên. Khoảng trống dưới gầm thang được sử dụng như một phòng khách phụ, “phòng chờ” kết hợp với cụm tiểu cảnh. Tầng 2 được dành cho các phòng ngủ, phòng làm việc và phòng giải trí.
Ở hầu hết các không gian chức năng, chất phương đông, cổ điển được gia chủ lựa chọn thể hiện qua các bộ bàn ăn, bàn trà, console, kệ trang trí… Xen kẽ giữa chúng là những bức tranh, tấm thảm xuất hiện khắp nơi để nói lên “mối giao lưu văn hóa” giữa Ai Cập và Việt Nam theo cách riêng của ông Đại sứ. Đó là những bức tranh Vịnh Hạ Long, Hồ Hoàn Kiếm, Chùa Một Cột do họa sĩ xứ sở Kim Tự Tháp vẽ, trong khi các bức tranh Ai Cập lại được ông Đại sứ mang đi thuê họa sĩ Việt Nam “chép lại” hay những tấm thảm kiểu Ai Cập, Iran lại được làm bởi bàn tay những người thợ thủ công Việt Nam. Alarnosy tâm sự: "Với ý tưởng bài trí nội thất của mình, ông muốn giới thiệu cho những người khách nước ngoài tới thăm biết thêm về đất nước, con người Việt Nam và ngược lại, những người Việt Nam có cơ hội hiểu thêm về Ai Cập".
(Theo Nhà Đẹp)