Sở dĩ phương pháp trồng rau thủy canh tại nhà còn có tên gọi khác phổ biến hơn là cách trồng rau "Thạch Sanh" vì chỉ cần một lần mua, chúng ta có thể tái sinh chúng bằng những cách đơn giản như cắt gốc đem ngâm vào nước, một thời gian sau gốc rau phát triển thành cây rau và có thể cắt để chế biến các món ăn bình thường.
Mong muốn có nguồn rau sạch cho gia đình "cứ vơi hết rồi lại đầy" giống như nồi cơm Thạch Sanh không còn quá xa vời. Có rất nhiều loại rau củ, thảo mộc có thể áp dụng cách trồng này như rau cần tây, cải bó xôi, cà rốt, hành lá...
Trong kỳ trước, nhà đẹp đã giới thiệu đến các bạn cách tái sinh cây cần tây từ gốc bỏ đi rất thú vị và hôm nay, chúng ta tiếp tục tìm hiểu cách nuôi dưỡng cây hành lá tươi tốt, mập mạp với phương pháp trồng tương tự.
Trồng hành lá "Thạch Sanh" không hề khó, chỉ cần một chút chăm sóc là gia đình bạn sẽ có đủ hành lá ăn hàng ngày.
Hành lá là một trong những loại cây gia vị góp mặt thường xuyên nhất trong nhà bếp của hầu hết các gia đình Việt Nam. Bất kỳ món ăn nào từ món xào, món canh, món hấp, đồ nướng... chúng ta đều có thể sử dụng hành lá. Để không bao giờ phải lo hết hành mỗi khi cần đến, các bà nội trợ hãy thử áp dụng cách trồng hành lá "Thạch Sanh" như sau:
Mua 3 - 4 nhánh hành lá vẫn còn nguyên rễ, cắt lấy dọc hành dùng bình thường, chỉ giữ lại một ít ngọn non và phần rễ. Sau đó, cho vào một chiếc ly thủy tinh chứa nước (có thể tận dụng những chiếc ly thủy tinh cũ không dùng tới) và đặt ở nơi có nhiều ánh sáng. Chỉ vài ngày sau, nhánh hành đã bị cắt mất phần dọc hành sẽ bắt đầu mọc ra xanh tươi hơn.
Cứ thế, chỉ cần cắt phần ngọn cần dùng và để lại gốc hành trong ly nước. Một thời gian sau sẽ có lứa hành mới để ăn.
Phần rễ ban đầu nên cắt ngắn bớt, chỉ để lại khoảng 2 cm và một ít ngọn non.
Thả từ 3 - 4 gốc hành vào trong một cốc nước đầy, đặt ở nơi có nhiều ánh sáng ở trong nhà. Lý tưởng nhất là trên bậu cửa sổ hoặc trên bàn gần cửa sổ.
Sẽ mất khoảng 5 ngày để một gốc hành có thể mọc lại đầy đủ lá.
Một tuần sau, bạn có thể cắt những dọc hành mới đầu tiên để ăn.
Với cách trồng này, sau vài lần thu hoạch, chúng ta nên thay gốc hành mới để hành lên được mập mạp và lớn nhanh hơn.