Vụ việc cháu bé Nguyễn B.U 2 tuổi ở Vĩnh Phúc bị bỏng gần như khắp cả cơ thể sau khi bị dính nước hóa chất thông cống, bồn cầu dưới nền nhà gần đây đang khiến dư luận xôn xao. Cháu bị bỏng hóa chất axit nặng với tổn thương khoảng 30%, toàn bộ vết thương vùng đầu, cánh tay, tai và cả người đều bị hoại tử.
Cháu bé Nguyễn B.U (2 tuổi, ở Vĩnh Phúc) bị bỏng gần như khắp cả cơ thể.
Trước đó, khi ở nhà, anh trai của cháu bé làm đổ một chai nhựa có hóa chất thông cống, bồn cầu siêu tốc ra nền nhà và B.U bị ngã, rồi dính nước hóa chất đó vào người. Cháu bị bỏng nặng, quần áo của cháu thậm chí cũng bị mủn ra hết.
Theo các chuyên gia phân tích, thành phần của nước thông cống siêu tốc có chứa 50% là acid sunfuric (H2SO4), một loại acid khá nguy hiểm. Đây là một trong ba loại acid vô cơ có tính chất hóa học cực mạnh, khi tác động lên cơ thể người, sẽ phá hủy cấu trúc mô như da, mỡ, gân, cơ... gây hoại tử từ bên ngoài vào trong. Hầu như bất cứ bộ phận nào của cơ thể khi tiếp xúc trực tiếp với acid sunfuric đều sẽ dễ bị tổn hại và để lại di chứng nặng nề.
Ông Đỗ T.D (Bình Thạnh, TP.HCM) (trái) và anh Lê D.D (Quận 12, TP.HCM) (phải) cũng từng bị bỏng ở chân và tay (năm 2016) do nước thông cống cực mạnh mà hai người tự mua ở cửa hàng bên ngoài về.
Thậm chí, chỉ hít phải hơi acid sunfuric cũng gây kích thích đường hô hấp nghiêm trọng, nạn nhân sẽ bị ho, nghẹt thở hoặc thở dốc, nghiêm trọng hơn khi tiếp xúc nhiều và nặng có thể dẫn đến tử vong.
Được biết, những loại dung dịch thông tắc bồn cầu như trên hiện nay đang được sử dụng khá nhiều trong các gia đình vì sự tiện lợi và công dụng tẩy rửa nhanh, mạnh bất ngờ. Thế nhưng sau vụ việc trên và không ít những vụ bỏng vì chất thông cống đau lòng trước đó, việc sử dụng, cất giữ chất thông cống, bồn cầu, các chất tẩy rửa trong nhà thực sự là một vấn đề quan trọng cần hết sức chú ý.
- Không mua các chất thông tắc, tẩy rửa không có thương hiệu: Việc mua các chất tẩy, thông tắc không có nhãn mác, thương hiệu tuy rẻ nhưng lại vô cùng nguy hiểm vì nguồn gốc xuất xứ, thành phần, liều lượng, cách sử dụng không hề rõ ràng.
Không mua các chất thông tắc, tẩy rửa không có thương hiệu, nhãn mác rõ ràng.
- Tuân thủ đầy đủ các quy định an toàn về găng tay, khẩu trang hay đồ bảo hộ khi sử dụng các loại chất tẩy rửa theo hướng dẫn, khuyến cáo của nhà sản xuất.
- Các chất tẩy rửa vệ sinh nhà ở, nhà tắm có hàm lượng axit cao, có tính ăn mòn mạnh, cần tránh hoàn toàn tiếp xúc với với các đồ vật bằng sắt, nhôm, inox… trong nhà vệ sinh, nhà tắm. Nếu không các đồ đạc này sẽ bị ăn mòn và hư hỏng theo thời gian. Sau khi vệ sinh xong phải xả kỹ bằng nước sạch.
- Sau khi vệ sinh xong, cần giữ hoá chất tẩy rửa ở chỗ cao, hoặc nơi kín đáo có khóa, tránh xa tầm với của trẻ em, người có thị lực kém, tránh xa đồ ăn, thực phẩm, các đồ dùng khác và chỉ dùng liều lượng vừa phải khi cần thiết.
- Các chất tẩy rửa cất giữ đã lâu cần thay mới vì các chất hóa học trong đó có thể biến đổi và tiềm ẩn nhiều nguy hại.