Dự kiến số người chết yểu ở việt nam do khí than sẽ lên đến 25.000 vào năm 2030 nếu không cắt giảm lượng khí thải từ than. Ảnh minh họa: Trí Tín |
"Trong tổng số người Việt chết yểu do ô nhiễm không khí, có đến 4.300 người được xác định liên quan đến khí thải từ các dự án nhiệt điện. Đây là con số của năm 2011. Tác động của những năm sau còn cao hơn khi việc sử dụng than đá tăng đáng kể", ông Lauri Myllyvirta, thành viên nhóm nghiên cứu của đại học harvard , Mỹ, trao đổi với VnExpress.
Đây là một phần nội dung được công bố trong báo cáo mới nhất về Việt Nam mà ông Myllyvirta cùng các đồng nghiệp trình bày trong Hội thảo "Than - Nhiệt điện than: Những điều chưa biết" hôm qua tại Hà Nội.
Cũng theo ông Myllyvirta, tổng số người chết yểu do hạt PM2,5 trên toàn cầu năm 2010 là 3,2 triệu người, trong đó có 31.000 người ở Việt Nam. Bụi PM2,5 là loại bụi nhỏ nhất trong khí quyển, được sản sinh ra trong quá trình đốt cháy than.
Nhóm nghiên cứu của trường Harvard dự báo khí thải than ở Việt Nam sẽ tăng gấp ba lần vào 2030. Khi đó có khoảng 25.000 người chết mỗi năm nếu không cắt giảm lượng khí thải.
Ông Trần Đình Sính, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho biết trong bước chuyển mình của năng lượng thế giới từ việc tập trung khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, Việt Nam đang có những bước đi trái chiều thể hiện qua việc Quy Hoạch Điện 7 đặt mục tiêu gia tăng tỷ trọng của nhiệt điện than lên hơn 50% vào năm 2030. Theo số liệu của GreenID, việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than sẽ thải ra một lượng tro khổng lồ gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường và sức khỏe cộng đồng, ước tính khoảng 14,8 triệu tấn mỗi năm từ năm 2020 và lên đến 29,1 triệu tấn mỗi năm từ 2030.
Đại diện GreenID dẫn lại quy hoạch điện quốc gia cho giai đoạn 2011-2020 có tầm nhìn tới năm 2030 (PDP VII) của Việt Nam cho thấy tổng công suất phát điện sẽ đạt 75.000 MW vào năm 2020 và 146.800 MW năm 2030. Để đáp ứng nguồn điện như trong dự báo của PDP VII, nhiệt điện đốt than đã được các nhà hoạch định chính sách lựa chọn là nguồn cung cấp điện chính yếu vì loại nguồn năng lượng này có quy mô công suất đủ lớn, công suất trung bình của một tổ máy là 300-600 MW với thời gian vận hành hàng năm lên tới 6.500-7.000 giờ. Việt Nam đã đưa vào quy hoạch 57 nhà máy nhiệt điện than với rất nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau.
Nghiên cứu của GreenID (2014) đã chỉ ra, trong giai đoạn 2010-2013, công suất phát điện của nhiệt điện đốt than trong tổng cơ cấu nguồn cung của Việt Nam tăng liên tục từ 18,29% lên 22,5%.
Một nghiên cứu khác của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho biết than của Việt Nam năm 2010 chiếm 20 % trong tổng số phát thải là 264 triệu tấn CO2 tương đương. Con số này được dự báo tăng lên 90% trong tổng số 515 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030.
Ông Myllyvirta khuyến cáo Việt Nam cần xem xét vấn đề chất lượng không khí và đánh giá những tác động đến sức khỏe khi quy hoạch các nhà máy điện, các ngành công nghiệp và giao thông vận tải Việt Nam cũng nên công khai dữ liệu về mức phát thải của nhà máy tại từng thời điểm và hàng năm nhằm đánh giá các tác động, cải thiện việc thực thi. Đồng thời Chính phủ cần tiếp tục đầu tư vào năng lượng sạch và cần lắp đặt các thiết bị quản lý phát thải tốt hơn.
Việt Anh